ĐBQH HOÀNG THỊ THANH THUÝ: COI TRỌNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VỀ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thứ năm - 09/11/2023 20:30 67 0

Góp ý vào báo cáo giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương để có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn và tái xác lập lại các tiêu chí, coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện một trong tồn tại hạn chế khiến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt hiệu quả được nêu ra trong báo cáo giám sát là do vai trò của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và sự phối hợp giữa 03 Bộ chủ quản với các bộ ngành trong cơ chế 01 Ban chỉ đạo còn có hạn chế. Mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc chưa có sự đồng bộ, thống nhất ở cấp tỉnh, cấp huyện  (Có tỉnh thành lập văn phòng điều phối, có tỉnh thành lập tổ giúp việc...); đa số địa phương cán bộ cấp huyện, xã là kiêm nhiện quản lý, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện Chương trình (nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc) ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, khiến kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn; chênh lệch về thu nhập, mức độ giảm nghèo và khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương để có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh 

Phóng viên: Thưa đại biểu, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế của chương trình gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, có thể nhận thấy công tác phối hợp tổ chức thực hiện còn rất hạn chế. Đại biểu có kiến nghị gì về vấn đề này?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy:  Tôi nhất trí cao với các nội dung được đánh giá trong Báo cáo giám sát số 550 ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát. Báo cáo đã phản ánh đầy đủ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình trong thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc được chỉ rõ, những kiến nghị, đề xuất của các địa phương thì được ghi nhận.  

Dự thảo đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là thẳng thắn xác định trách nhiệm của Chính phủ, của bộ, ngành. Tuy nhiên, ngoài cụ thể của ba ngành chủ trì 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư nhưng vẫn còn kèm theo cụm từ "các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp ở các địa phương trong tổ chức thực hiện".

Như vậy, trách nhiệm hầu như ngành nào cũng có và địa phương nào cũng có. Điều này cũng dễ hiểu, bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì đan xen với nhau; cơ chế phối hợp thì chưa chặt chẽ, rời rạc; cơ chế giao trách nhiệm cũng chưa thật sự rõ. Nên cơ chế này cũng làm cho việc xác định trách nhiệm cũng khó và chưa đến tận cùng, đến nơi đến chốn cho việc khắc phục. Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ điểm hạn chế chung nhất của 3 chương trình là chậm tiến độ, cụ thể như là chậm triển khai ban hành văn bản, chậm hướng dẫn, chậm giải ngân và khối lượng văn bản hướng dẫn của cả 3 chương trình này rất đồ sộ. Tuy nhiên lại vẫn thiếu, không kịp thời, không bao quát hết, thậm chí không sát với thực tiễn.

Tôi cho rằng tất cả những điều này có liên quan trực tiếp đến năng lực cán bộ và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Bởi vậy, trong tổng thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Đoàn giám sát kiến nghị ở mỗi chương trình, tôi đề nghị đặc biệt quan tâm một cách thực chất, thấu đáo và khắt khe hơn nữa về vấn đề con người thực hiện. Đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của cán bộ, bởi lẽ cán bộ là gốc của mọi công việc, chừng nào còn khó khăn, vướng mắc ở chính những người thực thi công vụ, chừng đó công việc vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Phóng viên: Thưa đại biểu, một thực tế đặt ra hiện nay trong công tác giảm nghèo là chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn. Theo đại biểu chúng ta cần xác lập lại các chỉ tiêu, tiêu chí theo hướng nào để nỗ lực giảm nghèo đi vào thực chất hơn?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý: Tôi đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn, khó trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xác định chỉ tiêu rất quan trọng đến việc xác định nguồn vốn dự án và các bước thực hiện tiếp theo. Tôi cảm thấy nhiều tiêu chí không phải thể hiện mục tiêu, ý nghĩa cần đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nông thôn mới mà đang lấy phương tiện, cách thức thực hiện để làm tiêu chí. Chính vì vậy, dẫn đến việc vừa dập khuôn, cứng nhắc cho các địa phương mà kết quả cũng còn hình thức.

Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được. Còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt đến chỉ tiêu. Ở một số địa phương, mặc dù tiêu chí nông thôn mới không đạt được một số chỉ tiêu nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Người dân hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình.

Tôi cũng đề nghị phải coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là một cơ sở để đánh giá kết quả của chương trình, cũng quan tâm về sự huy động của người dân và cộng đồng dân cư tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Theo Báo cáo số 550 giai đoạn 2021-2023 có 2,5% vốn huy động từ người dân và cộng đồng đóng góp, trong khi các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể bền vững khi người dân nhận thức và coi mình là chủ thể thực hiện và lôi cuốn được người dân tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở chính cộng đồng dân cư của mình. Vì vậy, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia phải là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng của việc xây dựng chương trình nông thôn mới bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây