Cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam

Thứ hai - 04/11/2024 20:42 49 0

Trong tuần từ 28/10 đến 3/11, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ghi nhận và đánh giá có 3 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dùng Việt Nam.

Mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo, đánh cắp thông tin

Thời gian qua, không gian mạng xuất hiện một nhóm đối tượng mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa các chủ phương tiện.

Nhóm này gọi điện cho chủ phương tiện thông báo Cục Đăng kiểm đổi mẫu tem kiểm định từ tháng 10/2024 và đề nghị chủ phương tiện thanh toán tiền tem, cước vận chuyển để được đổi tem.

Đáng chú ý, nhóm đối tượng còn hướng dẫn các chủ phương tiện truy cập vào trang giả mạo website Cục Đăng kiểm Việt Nam để khai thông tin cá nhân phục vụ việc đổi tem. 

Khi truy cập website giả mạo, chủ phương tiện có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển thiết bị phục vụ cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng lừa đảo.

Khuyến nghị người dân cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi từ đối tượng lạ, Cục An toàn thông tin cũng lưu ý họ cần xác minh danh tính đối tượng; không nghe và làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, đặc biệt là không chuyển tiền vào tài khoản không rõ danh tính. 

Người dân không nên truy cập vào các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không chia sẻ các thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu...

Người dân cần cảnh giác khi mua bán trên mạng xã hội 

Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá thấp hơn nhiều giá thị trường.

Các trang Facebook cá nhân của các đối tượng lừa đảo thường không có thông tin cá nhân minh bạch. 

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm để thu hút sự quan tâm của người dùng.

Khi có nạn nhân tiếp cận và đồng ý mua, đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc và sau đó chiếm đoạt tiền, chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.

Với thủ đoạn lừa đảo tương tự, đối tượng T.V.L trú tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng của hàng trăm người có nhu cầu mua xe ô tô, xe máy cũ.

Đối tượng đã bị Công an huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch, mua bán trên mạng xã hội; xác minh danh tính, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng; không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.

Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Xuất hiện hàng loạt Fanpage giả mạo các giải chạy, chương trình giải trí

Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các thủ đoạn giả mạo các ban tổ chức chương trình giải trí, giải chạy để đăng tải thông tin sai lệch nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Đơn cử như, mới đây Ban tổ chức giải chạy 'Nha Trang Night Run Sanvinest - Báo Khánh Hòa 2024', đã bị một nhóm đối tượng giả mạo để đăng tải thông tin sai lệch nhằm lừa đảo các vận động viên. 

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo fanpage giả mạo có giao diện giống fanpage thật và đăng tải những thông tin sai lệch về các chương trình, đính kèm những hình ảnh được thiết kế tinh vi hoặc sao chép từ Fanpage chính thức, khiến nhiều người dùng dễ dàng tin tưởng. 

Khi có người liên hệ, đối tượng lừa đảo yêu cầu họ thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ chặn mọi liên lạc để chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cẩn trọng trước các bài đăng, thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; xác minh tính minh bạch của thông tin; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm; và không làm theo hướng dẫn, không giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. 

Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 10, các hệ thống của Cục An toàn thông tin đã nhận gần 9.700 phản ánh của người dùng Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

 

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây