LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHƯỜNG NINH SƠN

1. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

1.1. Vị trí địa lý:

-  Phía Bắc giáp xã Tân Bình, xã Thạnh Tân.

- Phía Nam giáp phường Hiệp Ninh.

- Phía Tây giáp xã Bình Minh, phường I.

- Phía Đông giáp phường Ninh Thạnh.

1.2. Diện tích, dân số:

- Phường Ninh Sơn là phường mới thành lập theo Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ, có diện tích tự nhiên 2.534,8 ha, với 5.316 hộ, 21.186 nhân khẩu, mật độ dân số 4.124 người/km2. Toàn phường có 08 khu phố: Ninh An, Ninh Bình, Ninh Lộc, Ninh Phú, Ninh Tân, Ninh Thành, Ninh Thọ và Ninh Trung;

1.3. Giao thông:

- Phường Ninh Sơn nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, cách trung tâm Thành phố Tây Ninh 4 km thông qua đường Bời Lời và nối liền trung tâm huyện Hòa Thành qua tuyến đường Điện Biên Phủ. Với ưu thế của địa bàn là vị trí chiến lược của Thành phố Tây Ninh và Tỉnh, các khu dân sinh đang được hình thành và đang trong quá trình phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tương đối ổn định. Có nhiều điều kiện thuận lợi để xã phát triển kinh tế – xã hội và lưu thông hàng hóa, tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị, mở rộng trung tâm Thành phố trong tương lai.

2. LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

2.1. Lịch sử hình thành:

Phường Ninh Sơn trước đây là xã Ninh Sơn thuộc huyện Hòa Thành được thành lập từ năm 1979. Ngày 4 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 143-CP về việc điều chỉnh địa giới và đổi tên xã thuộc huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Trong đó tách xã Ninh Thạnh thành xã Ninh Thạnh và xã Ninh Sơn. Xã Ninh Sơn gồm có các ấp Ninh Tân, Ninh Trung, Ninh Lộc và Ninh Thọ.

Ngày 10-8-2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2001/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hòa Thành để mở rộng thị xã Tây Ninh, thành lập phường thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập xã Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trong đó sáp nhập xã Ninh Sơn của huyện Hòa Thành vào thị xã Tây Ninh.

- Phường Ninh Sơn là tên gọi của một địa giới hành chính theo Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc Thị xã Tây Ninh và thành lập Thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh. Phường Ninh Sơn có 8 Khu phố: Ninh Thành, Ninh Bình, Ninh Trung, Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phú, Ninh Tân và Ninh Lộc.

2.2. Truyền thống văn hóa:

Đa số nhân dân phường Ninh Sơn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, số còn lại sống bằng các ngành nghề thương mại-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và lao động làm thuê, toàn phường có trên 90% người dân là tín đồ tôn giáo Cao Đài, các tín đồ tôn giáo phát huy tốt phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân an tâm học tập, lao động, sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

3. DI TÍCH, DANH THẮNG

Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch Núi Bà Đen là quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nam Bộ. Nằm cách thành phố Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 30 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen.

Với chiều cao 986 m, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ, nhìn từ xa như chiếc nón lá úp với hệ thống hang động hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mang trong mình truyền thuyết Bà Đen linh thiêng. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là hệ thống quần thể kiến trúc công trình tôn giáo: điện thờ, chùa, miếu, tháp... phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà bên cạnh, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng trong một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Ngoài ra, còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn Long Châu tự), chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự). Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, hang Gió, hang Rồng... Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa Núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.

Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, núi Bà Đen đã từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Để ghi nhớ khoảnh khắc lịch sử oai hùng đó, Khu di tích đã trùng tu và xây dựng 2 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, đó là động Kim Quang và Bảo tàng dưới chân núi.

Từ năm 2013, hệ thống cáp treo công nghệ Châu Âu đã vận hành song song với hệ thống cáp treo trước đây và kết hợp với hệ thống máng trượt hiện đại, phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, khám phá của du khách, tạo nên một điểm du lịch tâm linh, dã ngoại thú vị.

Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, nhất là ngày rằm tháng Giêng, Khu di tích thu hút khoảng 2,5 triệu du khách trong và ngoài tỉnh hội tụ về khu vực núi Bà Đen để tham quan du lịch, hành hương và lễ bái, đặc biệt là Lễ hội Động Kim Quang, Lễ vía Bà Đen, Hội xuân núi Bà Đen… luôn để lại trong tim từng du khách một núi Bà Đen hoang sơ, hùng vĩ nhưng không kém phần linh thiêng về truyền thuyết Bà Đen.

Đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen phấn đấu hoàn chỉnh cơ cấu khu du lịch, một số dự án trọng điểm và mũi nhọn. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen cùng với Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và thành phố Tây Ninh trở thành các điểm đến lý tưởng cho du khách sau khi hoàn thành các dịch vụ vui chơi giải trí như: Khu trường bắn, Khu cảnh quan gắn với Trung tâm đô thị, Khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh, Khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp, Khu cắm trại và các hoạt động dã ngoại, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, Khu vườn thực vật và bảo tồn gen, Trường đua xe mô tô và ô tô địa hình, Làng văn hóa Khmer Suối Đá - Khedol và Khu dịch vụ giải trí trên đỉnh núi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây