Kiểm toán nhà nước chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách với thế giới

Thứ hai - 04/03/2024 11:01 97 0

Công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN). Với vai trò, vị thế của mình, KTNN đã và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đang trở thành một vấn đề mang tính phổ cập trong toàn ngành KTNN

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực KTNN. Nắm bắt xu thế cũng như yêu cầu đặt ra từ thực tiễn kiểm toán, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đã coi công nghệ thông tin (CNTT) là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển của tổ chức.

Lãnh đạo KTNN cho biết: Cùng với xu thế của thế giới, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp - đối tượng kiểm toán của KTNN - đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách chuyển đổi số đối với KTNN. Không để tụt hậu so với thế giới cũng như nằm ngoài guồng quay chuyển đổi số quốc gia, KTNN đã thể hiện sự quyết tâm chuyển đổi số từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn hoạt động.

Từ chủ trương, chính sách…

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt xác định công nghệ là 1 trong 3 trụ cột phát triển của KTNN. Chiến lược xác định 4 mục tiêu liên quan đến chuyển đổi số: Công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp KTNN thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động và kết quả kiểm toán. Tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN. Chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao.

Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Lớp Hướng dẫn sử dụng hệ thống chuyển đổi dữ liệu

Nhận thức rõ CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hóa mọi mặt hoạt động của KTNN, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng như: Nghị quyết số 90NQ/ĐU của Đảng ủy KTNN về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của ngành; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bám sát chủ trương, định hướng chung của Đảng, Chính phủ về phát triển CNTT và nhu cầu của ngành, KTNN đã kịp thời ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trung hạn (5 năm) và Kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm; Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về phát triển CNTT và công nghệ cao. Đây là những chương trình, kế hoạch quan trọng nhằm định hướng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT của KTNN trong giai đoạn tới, giúp KTNN thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số.

KTNN cũng đã ban hành các quy chế, quy định về quản lý, khai thác sử dụng hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng; Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của KTNN nhằm nâng cao ý thức, chất lượng ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ trong toàn ngành.

... Đến thực tiễn triển khai

Theo lãnh đạo Trung tâm Tin học, KTNN: KTNN đã triển khai nhiều công việc góp phần từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT của toàn ngành tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, cơ quan này đã xây dựng được 2 Trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Để thiết lập một hệ thống tập trung, KTNN đã triển khai tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ thông qua trục tích hợp, đảm bảo tính thống nhất, tập trung giữa các phần mềm trong toàn ngành; triển khai hệ thống xác thực quản lý người dùng tập trung, giúp người dùng sử dụng các phần mềm thuận lợi hơn; xây dựng mã định danh và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ hệ thống.

Kiểm toán viên chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, KTNN đã và đang xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng; đồng thời đang triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tạo nền tảng kết nối, chia sẽ dữ liệu trên diện rộng phục vụ hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, KTNN kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản được nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước; thực hiện đồng bộ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của KTNN với Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trên môi trường mạng, KTNN đã tăng cường đầu tư nâng cao an toàn thông tin đối với hệ thống mạng KTNN. Đến nay, hệ thống thông tin của KTNN đã được đầu tư bài bản, hiện đại với nhiều tầng, lớp bảo mật giúp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng trong hoạt động của ngành.

Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động, tích cực đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT vào hoạt động của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán. Đến nay, KTNN đã xây dựng trên 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Ngoài ra, KTNN còn chú trọng số hóa hồ sơ kiểm toán, tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của KTNN.

KTNN đã xây dựng Cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử, đồng thời KTNN trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các thông tin liên quan đến hoạt động, kết quả kiểm toán trên môi trường mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, KTNN đã cấp tài khoản cho hơn 2.000 đơn vị được kiểm toán và các đơn vị đã cung cấp hơn 8.000 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí thông qua Cổng trao đổi thông tin.

Chủ động, linh hoạt hơn để rút ngắn khoảng cách

Đáng chú ý, năm 2022, KTNN đã ứng dụng CNTT để triển khai thí điểm cuộc kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu số.

Cùng với đó, KTNN đã triển khai một số cuộc kiểm toán CNTT như kiểm toán hệ thống CNTT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại 4 Bộ, 1 Ngân hàng và 2 địa phương.

Theo lãnh đạo KTNN, những kết quả bước đầu là minh chứng cho thấy KTNN đã và đang từng bước phát huy tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu hiện đại hóa mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán để góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển và thích ứng linh hoạt hơn với quá trình chuyển đổi số đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn từng nhấn mạnh: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. So với yêu cầu, so với bạn bè trong khu vực, chúng ta còn khoảng cách khá lớn. Do đó, chúng ta cần phải tăng tốc để thu hẹp khoảng cách này".

Do đó, lãnh đạo Trung tâm Tin học (KTNN) cho rằng: Để bắt kịp với xu thế của các SAI, KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực rút ngắn khoảng cách chênh lệch công nghệ, hướng tới môi trường kiểm toán số, bảo mật và tích hợp cao trên cơ sở triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Một là, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Tin học; kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị, phát triển đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, chuyên môn phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của KTNN trong giai đoạn mới.

Hai là, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hạ tầng, tạo nền tảng để áp dụng các công nghệ số vào hoạt động của KTNN.

Ba là, xây dựng hạ tầng dữ liệu, trong đó tập trung triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán. Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán, các CSDL tập trung từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán.

Bốn là, phát triển các phần mềm ứng dụng, trọng tâm là hướng đến cung cấp công cụ báo cáo thống kê và phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn, hỗ trợ phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Bên cạnh đó, tiếp tục kế thừa, phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của KTNN, hình thành hệ thống thông tin quản lý, hoạt động kiểm toán theo hướng tập trung.

Năm là, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống CNTT của KTNN với trọng tâm là bảo vệ dữ liệu, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng, phù hợp với đặc thù của KTNN.

Sáu là, phát triển đội ngũ chuyên trách CNTT có đủ năng lực chuyên môn để tham mưu phát triển, quản lý và tổ chức vận hành hệ thống CNTT của KTNN. Đặc biệt, tập trung đào tạo kỹ năng làm chủ công nghệ, năng lực xử lý, phân tích dữ liệu cho kiểm toán viên.

Anh Minh

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây