Kế hoạch 60 ngày cao điểm tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn đã được Công an tỉnh Tây Ninh phát động thành phong trào sâu rộng, gắn với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm hỗ trợ người dân một cách tốt nhất.
Sau 2 tháng cao điểm tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho công dân trên địa bàn, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm cao của Công an tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ đăng ký VNeID đã đạt 98,3%, tỷ lệ kích hoạt mới đạt 65%, đơn vị quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu còn lại vào cuối năm 2023.
Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, Công an tỉnh Tây Ninh đã chuyển kế hoạch 60 ngày cao điểm thành phong trào sâu rộng, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng cao.
Trao đổi với Báo Công lý, Thượng tá Nguyễn Văn Nước - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, Công an tỉnh Tây Ninh xác định việc cài đặt, kích hoạt VNeID cho công dân trên địa bàn là một trong những nội dung trọng tâm theo Đề án 06.
Tuổi trẻ Công an tỉnh Tây Ninh phát huy vai trò xung kích trong việc thực hiện Đề án 06
Theo đó, Công an tỉnh Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cao điểm kích hoạt VNeID cho người dân. Trong đó xác định Công an, đoàn viên làm nòng cốt, gắn với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất.
Cụ thể, các lực lượng đi đến từng nhà, cơ quan, doanh nghiệp, các nơi tập trung đông dân cư tuyên truyền, hướng dẫn về giá trị, tiện ích của ứng dụng VNeID; hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký, kích hoạt VNeID; hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, tỉnh để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử…
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp xã nắm chắc quy trình, luật, biểu mẫu, tạo form trên dữ liệu để hướng dẫn cho người dân.
Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo mỗi xã, huyện thành lập 1 tổ về VNeID.
Đối với cấp huyện, mỗi tổ gồm 20 người (10 Công an, 10 đoàn viên thanh niên); cấp xã (2 Công an, 10 đoàn viên thanh niên), các tổ này sẽ tập huấn quy trình cài đặt VNeID cấp độ 2, rà soát những ai chưa làm, những ai đã làm mà chưa kích hoạt, những ai đã kích hoạt mà chưa sử dụng, sau đó đến từng tổ, ấp để tuyên truyền và hướng dẫn, hỗ trợ kích hoạt cho người dân.
Cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà hỗ trợ cấp căn cước cho người già yếu. Ảnh: CAND
“Kế hoạch cao điểm được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, tạo thành phong trào rộng khắp, được người dân hưởng ứng, đồng thuận cao”, Thượng tá Nguyễn Văn Nước vui mừng chia sẻ.
Việc cài đặt, kích hoạt VNeID không chỉ là nền tàng để sử dụng các tiện ích trên ứng dụng VNeID, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia mà còn góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo chiến lược phát triển “Chuyển đổi số” giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Tây Ninh, đến năm 2030, tỉnh này phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số ở mức khá trở lên; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số; khuyến khích hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Công lý
Ý kiến bạn đọc