Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Rà soát cắt giảm những thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần đây

Thứ năm - 19/10/2023 22:15 179 0

Sáng 16.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang- Tổ trưởng Tổ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ hai của Tổ, đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghị được trực tuyến đến các địa phương trên cả nước. Tham dự phiên họp tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến nay 50/83 bộ, cơ quan, địa phương đã sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức hoạt động của bộ phận Một cửa, quy chế hệ thống thông tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hoá trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có sự cải thiện rõ rệt. 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022).

63/63 địa phương thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử. Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Số lượng hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành đạt khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với năm 2022), của địa phương khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần so với năm 2022) so với tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Thực hiện Đề án 06, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chia sẻ cách làm, kinh nghiệm trong cải cách TTHC. Đồng thời nêu một số hạn chế, tồn tại, nổi lên như việc chậm rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; vẫn còn hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” thực hiện theo phong trào, chưa có sự quan tâm, sát sao của người đứng đầu.

Quá trình tham gia số hoá của cán bộ, công chức, viên chức thẩm định, xử lý hồ sơ TTHC còn hạn chế; nhiều giấy tờ, tài liệu đặc thù chuyên ngành phải số hoá nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng phù hợp theo quy định của pháp luật chuyên ngành; cơ sở dữ liệu có thể tái sử dụng mới chỉ đạt 3%.

Về dịch vụ công trực tuyến, nhiều dịch vụ công không bảo đảm mức độ dịch vụ; một số dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, chưa thuận lợi. Việc tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến ở một số cơ quan chưa thực chất, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân; xử lý hồ sơ trực tuyến còn chậm trễ; kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm…

Người dân nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Tổ công tác giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cải cách TTHC, dịch vụ công trực tuyến toàn trình; thực hiện Đề án 06; việc thống nhất cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành đang thực hiện…

Các đại biểu cũng góp ý đối với dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị từng cấp, ngành phải xem cải cách TTHC là việc quan trọng, bởi đây là xu thế và là vấn đề không mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới; cá nhân mỗi người cũng cần thay đổi thói quen làm việc phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.

Tiếp tục thực hiện tốt Đề án 06; tập trung rà soát quy trình TTHC cũ, khi xây dựng quy trình mới phải thực sự minh bạch, tránh phát sinh thêm thủ tục; rà soát cắt giảm những TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần đây.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương theo quy chế và theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, không để có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm chính về một việc; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; hướng tới đồng bộ, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu và mỗi bộ, ngành, địa phương cần linh hoạt trong cải cách TTHC phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đối với vấn đề con người, trong bối cảnh tinh giản biên chế thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; thực hiện điều động, luân chuyển những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực để phụ trách mảng này.

Tổ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phương Thuý

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây