Sở Tư pháp: Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính

Thứ hai - 22/07/2024 23:59 74 0

Ngày 18.7, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

6 tháng đầu năm 2024, các mặt công tác của ngành Tư pháp đều được triển khai quyết liệt, cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Tư pháp thực hiện kịp thời, có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu của Bộ Tư pháp. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện nghiêm túc. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định 27 dự thảo văn bản, góp ý 137 văn bản, rà soát thường xuyên 62 văn bản quy phạm pháp luật, rà soát theo chuyên đề 29 văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được thực hiện đúng theo kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện của địa bàn thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kịp thời tuyên truyền pháp luật sâu rộng cho toàn thể cán bộ và Nhân dân trên địa bàn; nhân rộng các sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản về pháp luật cho cán bộ và người dân được 2.343 cuộc với hơn 80.000 lượt người tham dự; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh hơn 4.500 giờ.

Địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2021/TTBTP và Quyết định số 1723/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp; gắn công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với Bộ tiêu chí và đánh giá, công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. 

Ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại hội nghị.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường Nhà nước được thực hiện hiệu quả. Các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Việc đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch luôn được quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài về khai sinh 97 trường hợp, khai tử 8 trường hợp, cải chính 1.329 trường hợp, trích lục 817 trường hợp… Kết quả đăng ký hộ tịch tại cấp xã về khai sinh 11.173 trường hợp; khai tử 4.863 trường hợp, xác nhận tình trạng hôn nhân 17.628 trường hợp, thay đổi, cải chính, bổ sung 635 trường hợp…

Về lý lịch tư pháp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh có sử dụng thành phần hồ sơ là phiếu lý lịch tư pháp, thực hiện sử dụng bản điện tử thay thế bản giấy; chủ động hướng dẫn cá nhân cung cấp bản điện tử phiếu lý lịch tư pháp, không yêu cầu cá nhân cung cấp lại bản giấy. Đồng thời, UBND tỉnh còn xây dựng kế hoạch triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp nhận 5.426 hồ sơ, cấp 5.219 phiếu (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023).

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện. Các văn bản QPPL trong hoạt động bổ trợ tư pháp mới có hiệu lực được triển khai thực hiện kịp thời, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả công tác. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động các tổ chức bổ trợ tư pháp được quan tâm thực hiện, chất lượng đội ngũ luật sư, công chức viên, đấu giá viên, giám định viên... không ngừng nâng cao.

Các đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 tổ chức hành nghề công chứng (3 phòng công chức trực thuộc Sở Tư pháp và 20 văn phòng công chứng) với 51 công chứng viên; 25 văn phòng luật sư, 12 công ty luật và 119 luật sư; 1 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, 4 doanh nghiệp đấu giá, 4 chi nhánh do doanh nghiệp đấu giá tài sản ngoài tỉnh thành lập, 2 chi nhánh do doanh nghiệp đấu giá tài sản trong tỉnh thành lập với 8 đấu giá viên…

Kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các đơn vị chủ động rà soát chương trình, kế hoạch năm 2024, tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, đơn vị, nhất là công tác tham mưu xây dựng thể chế văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền PBGDPL, triển khai Đề án 06, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Giám đốc Sở Tư pháp cũng đề nghị các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở tiếp tục chủ động hỗ trợ, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ; sớm triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động trong việc hỗ trợ, hướng dẫn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong giải quyết chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến, không để chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính…

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây