Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại phiên họp của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh diễn ra chiều 24.5.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức phát biểu.
Báo cáo kết quả, tình hình triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Tấn Đức cho biết, về nhận thức số, nhìn chung thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và người đứng đầu các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nhận thức tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, ở ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng chuyên trang về chuyển đổi số (http://chuyendoiso.tayninh.gov.vn), các kênh chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh trên mạng xã hội Zalo, YouTube, TikTok và đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số trên các chuyên mục của Đài PT-TH tỉnh, Báo Tây Ninh, cổng thông tin điện tử tỉnh. Những tháng đầu năm, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và tổ giúp việc ban chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch.
Sở TT&TT chủ trì tích hợp cơ sở dữ liệu các ngành còn lại lên Trung tâm IOC, bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống và kịp thời để cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo tỉnh. Hiện nay, Trung tâm IOC tỉnh đã tích hợp 9 phân hệ giám sát trên giao diện web và 10 phân hệ giám sát trên giao diện ứng dụng Tây Ninh Smart.
Để Trung tâm IOC hoạt động hiệu quả, Sở TT&TT kiến nghị thủ trưởng các sở, ngành đã có dữ liệu tích họp lên IOC chỉ đạo thực hiện góp ý điều chỉnh màn hình giám sát nhằm phục vụ tốt công tác giám sát của ngành; các ngành, địa phương chưa cung cấp số liệu tích hợp về IOC chủ động, tích cực phối hợp sở TT&TT khảo sát, lên phương án tích hợp dữ liệu.
Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu.
Về kết quả, tình hình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, đại diện Công an tỉnh cho biết tính đến ngày 15.5, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 23/23 sở, ngành (chia sẻ 20 trường thông tin/công dân, đủ để thực hiện các thủ tục hành chính). Đã liên thông dữ liệu: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và dịch vụ công liên thông đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp táng phí.
Tính đến ngày 23.5, đã có 1.073.403 công dân trong độ tuổi (đủ 14 tuổi trở lên) được cấp căn cước công dân (CCCD), đạt tỷ lệ 98,3%; 100% học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp và xét tuyển cao đẳng, đại học được cấp CCCD.
Đối với hồ sơ cấp định danh điện tử, đã có 508.483 trường hợp được cấp, đạt 56,8%; đã kích hoạt định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 tổng cộng là: 96.484 trường hợp, đạt 19% số đã đăng ký. Hiện còn 386.373 trường hợp phải thu nhận xong trước ngày 30.7.2023. Việc làm sạch dữ liệu trên toàn tỉnh đến nay đã đạt 99,6%.
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đánh giá kết quả việc triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá cao công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 của Công an tỉnh. Về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc xây dựng, tích hợp dữ liệu lên Trung tâm IOC tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; một số ngành, địa phương chưa cung cấp dữ liệu hoặc có cung cấp nhưng chưa kịp thời, đầy đủ. Kết quả chuyển đổi số trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), kết quả dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa đạt kết quả tốt.
Ứng dụng Tây Ninh Smart tuy nhiều người kỳ vọng, đánh giá cao song tính đa dạng của các tiện ích, đặc biệt là những tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân chưa nhiều. Hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng chưa cao…
Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và tích hợp dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm IOC. Các ngành cần đề xuất cụ thể danh mục cơ sở dữ liệu của ngành, từ đó thống nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp chung của tỉnh. Bên cạnh đó, cần phối hợp Công an tỉnh triển khai tích hợp, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến toàn trình; vận động xã hội hoá hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn mua điện thoại thông minh.
Về kinh tế số, những ngành thương mại, dịch vụ cần đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Ứng dụng Tây Ninh Smart cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp nhiều tiện ích phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Các địa phương quan tâm nhân rộng tổ công nghệ số cộng đồng trên tinh thần tăng số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các tổ công nghệ số cộng đồng phủ rộng, tích cực hỗ trợ người dân biết và sử dụng các tiện ích dịch vụ công trực tuyến, tham gia chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hằng tháng các cơ quan, đơn vị cần có báo cáo chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số gửi về Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh- nhất là nêu các khó khăn, đề xuất cụ thể.
Phương Thuý
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc