Vì dự án mới nghiên cứu được 3-4 tháng nên nhóm chỉ thử nghiệm sản phẩm trên da tay, chưa sử dụng cho da mặt. Kết quả ban đầu cho thấy sản phẩm an toàn, không gây kích ứng trên da.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tổ chức là sân chơi trí tuệ, bổ ích, nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giáo dục STEM, STEAM trong các trường trung học.
Qua nhiều năm tổ chức, hội thi đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, khuyến khích các em tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn đời sống. Từ đó, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, khơi dậy niềm đam mê, tiềm năng khởi nghiệp, cũng như tăng cường trao đổi, giao lưu, hội nhập quốc tế.
Em Nguyễn Phúc Đan Quỳnh (bìa trái), em Trương Kim Thiên (giữa) và cô Nguyễn Thị Yến Chi nhận giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo
“Ứng dụng hoạt chất Polyphenol có trong vỏ quả mãng cầu ở Tây Ninh vào kem dưỡng da” là một trong những dự án gây ấn tượng mạnh tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024. Với ý tưởng độc đáo, mới lạ, cũng như quá trình dày công nghiên cứu, dự án trên đã giành giải Nhất lĩnh vực Hoá - Sinh - Môi trường, đem về niềm vui cho thầy trò Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.
Nhóm tác giả của dự án này là hai bạn Nguyễn Phúc Đan Quỳnh (lớp 10 Anh 1) và Trương Kim Thiên (lớp 11 Lý). Mặc dù là lần đầu tiên tham gia cuộc thi, nhưng dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến Chi (giáo viên bộ môn Sinh học) cùng tâm huyết tạo kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh, đôi bạn đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi.
Về lý do chọn đề tài, Đan Quỳnh chia sẻ: “Bản thân em là một đứa ưa tận dụng những gì bỏ đi để tái chế nên đã nghĩ đến việc sử dụng vỏ trái mãng cầu- trái cây đặc sản của Tây Ninh. Thêm phần là con gái nên em cũng quan tâm đến việc làm đẹp, chăm sóc da. Và mỹ phẩm thiên nhiên đang là xu hướng thịnh hành vì sự lành tính, an toàn cho người dùng. Từ đó, bọn em đã nảy ra ý tưởng đề tài”.
Quy trình thực hiện nghiên cứu được sơ lược thành các bước như sau: Đầu tiên là chọn vỏ, tách vỏ, vệ sinh, rồi tiến hành sấy, nghiền, rây để lấy bột mịn. Tiếp theo là trích ly Polyphenol bằng cách pha trộn thêm nước cất, dung dịch đệm, enzyme (sử dụng máy siêu âm và máy ly tâm). Sau đó, làm cho dịch chiết sệt đặc lại thành cao. Cuối cùng là phối trộn cao chiết vừa thu được với kem nền.
Theo kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm phân tích quốc tế của Trường đại học Công thương, cao chiết sau khi cô đặc có hoạt tính Polyphenol chiếm 2%. Được biết, Polyphenol là một hợp chất tự nhiên có trong thực vật và mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, làm đẹp. Ngoài đặc tính chống oxy hoá (vô hiệu hoá những gốc tự do gây hại), chống lão hoá, Polyphenol còn có tác dụng tăng cường màng bảo vệ của da, chống lại bức xạ tia cực tím, giảm viêm nhiễm, phục hồi nhanh các tế bào bị tổn thương.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, tài liệu tiếng Việt về trái mãng cầu rất ít nên các bạn phải tìm thêm tài liệu bằng tiếng Anh. Đan Quỳnh là học sinh chuyên Anh nên đã sử dụng lợi thế của mình để dịch tài liệu, song, do không học chuyên sâu về lĩnh vực Hoá - Sinh nên hai bạn trẻ đối mặt với khá nhiều khó khăn trong việc thực thi ý tưởng.
“Khi bắt tay vào làm trên các thiết bị, máy móc, tụi em mới thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh, thực tế rất khác so với lý thuyết và tưởng tượng, khiến quy trình thực hiện của nhóm phải thay đổi nhiều. Nhờ có cô Chi mà tụi em được kết nối với thầy cô ở các trường đại học, phòng thí nghiệm, công ty mỹ phẩm ở TP. Hồ Chí Minh và thầy cô đã hướng dẫn nhóm em hướng đi đúng đắn”- hai nữ sinh cho biết.
Nhóm tác giả của dự án: Trương Kim Thiên (bên trái) và Nguyễn Phúc Đan Quỳnh.
“Một khó khăn không nhỏ mà nhóm em chưa lường trước là vấn đề thuốc trừ sâu trên vỏ trái mãng cầu. May mắn là chúng em tìm được các vườn mãng cầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có bác chủ vườn cho thông tin về các loại thuốc, cũng như nồng độ, liều lượng phun, thời gian cách ly trước khi thu hoạch để chúng em yên tâm nghiên cứu.
Nhóm em cũng lo ngại về vấn đề vệ sinh trong lúc làm, sợ sản phẩm bị vi sinh vật tấn công. Nhưng khi gửi mẫu đi kiểm tra ở Trung tâm kiểm nghiệm TSL thì hoàn toàn không phát hiện các vi khuẩn gây hại cho da” - Kim Thiên tiết lộ.
Vì dự án mới nghiên cứu được 3-4 tháng nên nhóm chỉ thử nghiệm sản phẩm trên da tay, chưa sử dụng cho da mặt. Kết quả ban đầu cho thấy sản phẩm an toàn, không gây kích ứng trên da.
Còn về hiệu quả nuôi dưỡng da khoẻ mạnh hơn mỗi ngày, trong một thời gian ngắn chưa thể chứng minh được, cần phải theo dõi lâu dài. Nhìn chung, đây là một đề tài thú vị và có thể mở rộng, phát triển thêm trong tương lai. Dự án không những tìm ra giải pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp- nguồn tài nguyên đang bị lãng phí, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Tây Ninh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
“Quyết tâm theo đuổi dự án này nên chúng em gặp đôi chút trở ngại khi sắp xếp thời gian học tập. Nhưng thật vui vì chúng em có những người bạn rất tuyệt vời, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, gia đình và thầy cô cũng ủng hộ nhiệt tình.
Hơi tiếc vì dự án không được chọn đi thi quốc gia nhưng chúng em hài lòng, cảm thấy công sức bỏ ra được trân trọng và đền đáp xứng đáng. Chúng em tự hào vì có thể tạo ra một sản phẩm mang đậm dấu ấn quê hương Tây Ninh và đóng góp chút chất xám cho cộng đồng” - hai bạn nói thêm.
Anh Thư
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc