Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - một trí thức tài năng, một người cộng sản kiên trung, một ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc. Sẵn sàng từ bỏ danh vọng và cuộc sống giàu sang, đồng chí đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Huỳnh Tấn Phát sinh ra trong một gia đình địa chủ bị phá sản tại ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc Khoá 8 Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, với học bổng toàn phần. Ở đây, Huỳnh Tấn Phát tham gia hoạt động sôi nổi trong phong trào sinh viên và Hội Ái hữu sinh viên. Anh viết những bài báo ủng hộ phong trào đấu tranh yêu nước in trên các báo “Tranh đấu” ở Nam Kỳ và “Lao động” ở Bắc Kỳ; tham gia phong trào Đông Dương Đại hội; cùng với Đào Duy Kỳ tập hợp đoàn đấu tranh của học sinh, sinh viên gặp Godard (đại diện Chính phủ Bình dân Pháp sang Đông Dương) trình “tập thư thỉnh nguyện” theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương…
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát trở về Sài Gòn và là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư tại Sài Gòn. Năm 1941, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn) Sài Gòn, do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức. Có địa vị, tiền tài, danh tiếng, nhưng ở Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn trăn trở, nung nấu về con đường cứu dân, cứu nước. Cuối năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại, nhưng đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhiều thanh niên trí thức, trong đó có Huỳnh Tấn Phát. Tháng 9/1941, anh đã dùng số tiền chắt góp được trong những năm tháng đầu làm nghề kiến trúc sư mua lại “manchette”, tờ báo công khai “Thanh niên” để ra báo hằng tuần, với tôn chỉ, mục đích tập hợp lực lượng thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước ở họ.Sau khi tờ Thanh niên giải thể, Huỳnh Tấn Phát tích cực tham gia phong trào Truyền bá Quốc ngữ với tư cách là Trưởng ban cổ động và là một trong những diễn giả chính của phong trào. Giữa năm 1945, anh là một trong nòng cốt của Thanh niên Tiền Phong, tham gia phong trào Cứu đói miền Bắc.
Ngay từ thời kỳ đầu tham gia phong trào, Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó và hoạt động tích cực trong phong trào vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh yêu nước. Những hoạt động sôi nổi của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã gây được sự chú ý của Xứ ủy Nam Kỳ. Được sự giúp đỡ của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu, Huỳnh Tấn Phát đã tích tham gia các cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Anh đã dùng văn phòng kiến trúc sư của mìnhnhà số 68, đường Mayer làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác-Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn và tham gia lớp học đầu tiên ở đây. Từ lớp huấn luyện rất cơ bản này, Xứ ủy đã đào tạo kịp thời một đội ngũ cán bộ nòng cốt của phong trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn.
Ngày 5/3/1945, Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Xác định dứt khoát đi theo con đường của Đảng, đồng chí đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.
Sau khi vào Đảng, Huỳnh Tấn Phát được Xứ uỷ Nam Kỳ giao nhiệm vụ làm Bí thư Tân Dân chủ Đảng và là cốt cán trong công tác tuyên truyền, huấn luyện thanh niên trí thức, công nhân, học sinh. Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, đồng chí càng thấu hiểu sâu sắc hơn về sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, nhất khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, khả năng diễn thuyết và hoạt động tích cực của mình, đồng chí trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do đồng chí tham gia lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25/8/1945.
THAM GIA LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP Ở NAM BỘ
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí phụ trách Phòng thông tin báo chí. Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, đồng chí bị bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên địch trả tự do cho Huỳnh Tấn Phát sau ba ngày giam cầm ở bót Catinat.
Để cổ vũ và động viên quần chúng nhân dân, Huỳnh Tấn Phát thành lập Ban Tuyên truyền xung phong, tổ chức in cờ đỏ sao vàng, truyền đơn đòi thi hành Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Ban Tuyên truyền xung phong xuất bản tờ báo Độc Lập (sau đổi tên thành báo Tiến Lên), đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, giác ngộ quần chúng nhân dân, trí thức ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc. Có uy tín cao trong giới trí thức, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã trực tiếp vận động nhiều trí thức rời cuộc sống thành phố vào vùng tự do trực tiếp tham gia kháng chiến: như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương…
Đầu năm 1946, Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt tại nhà in bí mật số 160, đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng) và bị kết án 2 năm tù. Trong tù, Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Trưởng Ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị Khám Lớn Sài Gòn” – 69 Lagrandière, tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, biến Khám Lớn Sài Gòn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán cũng như đã cảm hóa được nhiều quần chúng tin theo cách mạng.
Tháng 11/1947, sau khi được trả tự do, đồng chí vẫn kiên trì bám trụ tại Sài Gòn, được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở Thành phố. Đầu năm 1949, đồng chí ra khu giải phóng, được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam,phụ tráchcông tác trí vận, làm cố vấn cho tổ chức học sinh Sài Gòn và lãnh đạo đấu tranh trên báo chí công khai hàng ngày ở nội thành. Tháng 8/1950, Xứ uỷ Nam Bộ thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn[1]. Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu, được cử làm trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn Tự do. Bằng uy tín của mình, Huỳnh Tấn Phát đã quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng trước năm 1945 và phong trào Báo chí Thống nhất cũng tập hợp về góp sức xây dựng đài. Đài phát thanh trở thành ngọn cờ hiệu triệu nhân dân ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị trong nội thành như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”… Các phong trào có đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến, với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
NHÀ LÃNH ĐẠO MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, mặc dù đã bị địch “nhẵn mặt”, nhưng Huỳnh Tấn Phát vẫn tình nguyện ở lại miền Nam và nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng. Để tạo thế công khai hợp pháp, đồng chí làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Cuối năm 1956, đồng chí được bổ sung vào Khu uỷ Sài Gòn- Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và chính quyền vận. Phụ trách trí vận, đồng chí không chỉ làm việc trực tiếp với Ban Trí vận Thành uỷ mà còn chỉ đạo Ban cán sự của Thành uỷ Đảng Dân chủ sáng tạo nhiều hình thức phong phú, đi vào giới trí thức và tư sản, đồng thời khôn khéo giữ quan hệ với số trí thức đặc biệt, trong đó có cả công chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Vì vậy, mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, mạng lưới cơ sở trong giới trí thức và công nhân chính quyền Sài Gòn tiếp tục được mở rộng, củng cố, trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh của nhân dân Thành phố đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, hòa bình, thống nhất đất nước những năm 1954-1959.
Ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)
Những năm 1959 - 1960, theo yêu cầu của tổ chức, Huỳnh Tấn Phát ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, cơ quan tiền phương của Miền). Cuối năm 1959, khi Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định hợp nhất thành Khu ủy Khu Sài Gòn - Gia Định, Huỳnh Tấn Phát được cử làm Khu uỷ viên chính thức Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác trí vận[2]. Từ khu tam giác sắt, đồng chí duy trì sự chỉ đạo phong trào trí thức, học sinh, sinh viên thành phố, tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ về việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí đã tổ chức vận động các nhân sỹ trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia Mặt trận. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam và tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời, trong đó có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Hội nghị thông qua và công bố Chương trình 10 điểm, hiệu triệu nhân dân miền Nam đứng lên chống Mỹ và tay sai, đấu tranh cho một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ hoà bình, trung lập tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Từ ngày 16/2 đến ngày 3/3/1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất đã bầu chính thức Ủy ban Trung ương, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Đoàn Chủ tịch, giữ trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Tổng thư ký trong Ban Thư ký của Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kiêm Trưởng Ban Trí vận Mặt trận của khu Sài Gòn - Gia Định.
Đảm nhiệm trọng trách lớn hơn, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tiếp tục mở rộng hoạt động, thành lập Ban cán sự Trí vận nội thành, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng Trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, trụ vững giữa mạng lưới công an, mật thám dày đặc của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hoạt động của Ban Trí vận có ảnh hưởng sâu rộng đến sự hình thành các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định, các phong trào trong giáo giới nội đô và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968.Uy tín của những trí thức trong liên minh này đã giúp Mặt trận gây ảnh hưởng đến các tổ chức của “lực lượng thứ ba” như: Phong trào dân tộc tự quyết do Luật sư Nguyễn Long làm chủ tịch; Phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ do bà Ngô Bá Thành đứng đầu; Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc của Giáo sư Lê Văn Giáp; Ủy ban vận động đòi cải thiện chế độ lao tù gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, linh mục, như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan; Lực lượng hòa giải dân tộc; Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Pari của Luật sư Trần Ngọc Liễng.
Thông qua các phong trào đấu tranh ở nội đô, đã vạch rõ tính phi pháp của chế độ Việt Nam Cộng hòa và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Qua đó, củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết dân tộc xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mà Huỳnh Tấn Phát là một trong những thành viên chủ chốt.
Bên cạnh đó, với tài năng và uy tín của mình, đồng chí có những đóng góp tích cực, nâng cao uy tín, vị thế của Mặt trận trên trường quốc tế. Trong những dịp đi các nước, đồng chí cùng các thành viên của Mặt trận tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, khẳng định tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, kêu gọi nhân dân tiến bộ và các nước đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Với đường lối ngoại giao hoà bình trung lập, chỉ trong thời gian ngắn, Mặt trận đã có đại diện trong Ban Chấp hành của 11 tổ chức quốc tế, có quan hệ ngoại giao với 18 nước trên thế giới, có 26 tổ chức quốc tế, các chính đảng và tổ chức quần chúng ở nhiều nước công nhận. Phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lên cao từ đầu năm 1965, đặc biệt là sau khi có Tuyên bố 5 điểm ngày 22/3/1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Sau Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn quyết định, đã đặt ra yêu cầu phải đoàn kết hơn nữa mọi lực lượng cho cuộc kháng chiến và cần có một Chính phủ đại diện hợp pháp cho quyền lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, từ ngày 6/6 đến ngày 8/6/1969, Đại hội Đại biểu quốc dân toàn miền Nam khai mạc trọng thể tại vùng Tà Nốt (Tây Ninh) đã quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ. Đó là sự ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Đảng và các tầng lớp nhân dân miền Nam về tài năng, nhân cách, uy tín của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Chính phủ cách mạng lâm thời thành lập là một thắng lợi to lớn trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ cách mạng lâm thời đã công bố Chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hòa hợp dân tộc, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Trên cương vị người đứng đầu, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo Chính phủ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam,góp phần tăng đáng kể uy tín quốc tế của Chính phủ; vận động và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ lâm thời. Trong tháng 6-1969, 23 nước đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời, trong đó 21 nước kiến lập quan hệ ngoại giao.
Sự vững mạnh và uy tín ngoại giao của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tư cách là một trong bốn bên đàm phán đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quá trình đàm phán tại Pari. Tháng 1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi Hiệp định được ký kết, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phối hợp với ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định: thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân miền Nam… Bên cạnh đó, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện các chuyến thăm hữu nghị nhiều nước, thông báo tình hình Hội nghị Paris, ký kết với Chính phủ các nước nhiều hiệp định viện trợ không hoàn lại cho miền Nam. Đó là nguồn lực quan trọng để quân dân Việt Nam tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT
Sau khi đất nước thống nhất, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng và nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt Nhà nước, đồng thời vẫn tín nhiệm giao cho đồng chí phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm 1976, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc đã hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành Mặt trậnTổ quốc Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đoàn kết toàn dân trong một Mặt trậnthống nhất, tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, trong thực tế, chức năng của Mặt trận nhiều lúc, nhiều nơi đã thu hẹp, chỉ còn là động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trăn trở trước thực trạng đó, sau Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc (02/1977), trên cương vị là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Huỳnh Tấn Phát có đóng góp quan trọng xây dựng Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Với việc chỉ ra ba chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ba chức năng đó; Chỉ thị 17 đã đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, đồng chí góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II vào tháng 5/1983, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị người đứng đầu, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát có đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Mặt trận, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Đồng chí chỉ đạo các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí Thư, đồng thời trực tiếp đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc giúp Ủy ban Mặt trận các cấp nhận định đúng hơn vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận, nhất là vai trò giám sát đối với chính quyền và đề ra những biện pháp củng cốtổ chức Mặt trận cơ sở. Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ mặt trận các cấp: Mặt trận không phải là tổ chức hiếu hỷ, đó là một tổ chức chính trị-xã hội, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng
Với sự nỗ lực của đồng chí và các thành viên Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai Chỉ thị 17 với phương châm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất, vừa có tính chất liên hiệp rộng rãi, vừa có tính quần chúng sâu sắc. Mặt trận đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân lao động, là sợi dây nối liền các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước”, đã tạo ra bước đột phá đổi mới hoạt động của Mặt trận các cấp, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, là một tấm gương cao đẹp về ý chí, nghị lực của một chiến sĩ cộng sản kiên cường; một nhà lãnh đạo tài năng, khiêm nhường, gần gũi với các tầng lớp nhân dân; người bạn lớn, nồng hậu của giới trí thức. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Đồng chí làm công tác Mặt trận bằng tài năng, nhân cách, thông qua những hành động cụ thể của mình tạo nên sức thuyết phục lớn lao với các giới, các tầng lớp trong xã hội. Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết trao tặng cho đồng chí là sự tri ân đóng góp to lớn và ghi nhận, tôn vinh về tấm gương người cộng sản mẫu mực Huỳnh Tấn Phát./.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1]Đặc khu Sài Gòn -Chợ Lớn gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định như Thủ Đức, Gò Vấp, Trung Huyện, Nhà Bè,...
[2]Xem Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 114.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo
Ý kiến bạn đọc