Nghiêm cấm 'thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai'

Thứ tư - 23/10/2024 10:59 28 0

Chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) - Ảnh: VGP/LS
Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) - Ảnh: VGP/LS

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Ngay sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật. 

UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án Luật này, sau đó đã được hoàn chỉnh, gửi xin ý kiến Chính phủ, các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp thu hoàn chỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đến nay dự thảo Luật đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 18 chương, 65 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ trước, bỏ 4 điều, bổ sung 3 điều, chỉnh lý, sửa đổi 63 điểm, giữ nguyên 2 điều.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu tập trung thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Các ý kiến đánh giá cao về việc dự thảo Luật đã bổ sung khoản 2 Điều 3 các hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” và đồng tình với nhiều nội dung mà dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể các điều, khoản để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, khả thi.

Về hỗ trợ tâm lý (Điều 41), đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) cho biết, việc hỗ trợ tâm lý là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian hỗ trợ tâm lý được quy định là không quá 3 tháng có thể chưa đủ đối với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Do đó, thời gian hỗ trợ tâm lý cần được linh hoạt và kéo dài dựa trên tình trạng thực tế của từng nạn nhân.

Đại biểu Thạch Phước Bình nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng về việc hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho nạn nhân. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm các chương trình đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu hơn, để đảm bảo rằng nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị cần có quy định chi tiết hơn về mức trợ cấp và các điều kiện cụ thể để đảm bảo rằng việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch và đến đúng đối tượng.

Về hỗ trợ phiên dịch (Điều 45), đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân không biết hoặc không hiểu tiếng Việt là một quy định rất cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân, đại biểu đề nghị cần có cơ chế giám sát chất lượng dịch thuật, đảm bảo rằng việc phiên dịch được thực hiện chính xác và khách quan.

Đồng tình với ý kiến nêu trên về hỗ trợ phiên dịch, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, cần xác định rõ nhân lực, trình độ của người phiên dịch để hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân. Để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và tính khả thi, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung cụm từ “và người dưới 18 tuổi đi cùng” vào sau cụm từ “nạn nhân”. Theo đó, viết lại khoản này như sau: “Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại Cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân”.

Đề cập về vấn đề tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tại khoản 3 Điều 31, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị thay cụm từ “Cơ quan chuyên môn về Ngoại vụ cấp tỉnh” bằng cụm từ “Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” để dễ dàng xác định được đúng địa chỉ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, hơn nữa phù hợp với quy định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, đề nghị bổ sung cụm từ “Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” sau cụm từ “Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh”. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, việc bổ sung cụm tử này là để phù hợp với Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam quy định: Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Quan tâm đến Điều 22 về phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị tại khoản 2 Điều này của dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện vi phạm để xử lý có hiệu quả, đặc biệt là trong những trường hợp hành vi vi phạm có tính chất phức tạp hoặc liên quan đến nhiều địa phương hoặc nhiều cơ quan nhằm xử lý một cách đồng bộ.

Về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài tại Điều 29, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều này của dự thảo Luật có nhiều quy định bất cập, đây là trường hợp nạn nhân đang ở nước ngoài được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận, do đó việc xác minh và các bước tiếp theo sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 29. 

Trong trường hợp chưa đủ căn cứ cấp một giấy tờ, các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của luật này như quy định tại khoản 3 Điều 29 thì giải pháp tiếp theo là làm các thủ tục để đưa các nạn nhân này về nước, không nhất thiết cần đề nghị và chờ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 27 của luật này.

Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ, khoản 3 Điều 29 có thể viết lại thành: “Trường hợp chưa đủ căn cứ cấp một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của luật này thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật và phối hợp để đưa các nạn nhân này về nước để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh theo quy định tại Điều 30 của luật này”.

Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như: khái niệm “mua bán người”, khái niệm “nạn nhân”; về nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai; về chính sách của Nhà nước đối với phòng, chống mua bán người; về giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền của việc cấp giấy tờ xác nhận nạn nhân; về đối tượng và điều kiện được bảo vệ; về đối tượng và chế độ hỗ trợ; về quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan về phòng, chống bán người…

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây