Tây Ninh thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn

Thứ sáu - 12/07/2024 23:59 100 0

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng các biện pháp như đẩy mạnh chuyển đổi số....

UBND tỉnh tổ chức phiên họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công. (Nguồn: báo Tây Ninh)

Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Tây Ninh đã giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn năm nay cho các dự án sử dụng vốn tỉnh quản lý và giao mức vốn hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới.

Theo kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, trong năm nay, Tây Ninh được Thủ tướng giao hơn 4.174 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 3.454 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là hơn 720 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước do Hội đồng Nhân dân tỉnh giao là trên 4.250 tỷ đồng, tăng hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với kế hoạch do Thủ tướng giao.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất được tỉnh công bố, tính đến ngày 31/5 vừa qua, giải ngân đầu tư công của Tây Ninh mới chỉ đạt gần 1.006 tỷ đồng, đạt 24,09% kế hoạch Thủ tướng giao, đạt 23,66% kế hoạch Hội đồng Nhân dân tỉnh giao (giảm 29,15% so với cùng kỳ). Trong số đó, thị xã Trảng Bàng là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong số 9 huyện, thị xã, thành phố (chỉ đạt 5,43%; cụ thể kế hoạch năm nay được giao là gần 368 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được gần 20 tỷ đồng); huyện Dương Minh giải ngân chỉ đạt 12,44%. Ngoài ra, nhiều đơn vị sở ngành hiện chưa giải ngân.

Theo báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công vẫn còn một số hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan như vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm, khai thác vật liệu xây dựng; sự phối hợp giữa các cơ quan có lúc thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.

Từ những hạn chế trên nên tỉnh cần điều chỉnh các mục tiêu, kế hoạch thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trong năm 2024-2025 dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch, giao chi tiết toàn bộ số vốn của Chương trình mới thực hiện vào cuối quý 2 năm nay. Do vậy, việc triển khai, giải ngân các dự án chậm so với các năm trước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Dương Văn Thắng cho biết công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm nên chỉ được giao bổ sung kế hoạch vốn năm nay trong quý 2 này. Bên cạnh đó, trong năm có nhiều dự án lớn khởi công mới nên 6 tháng đầu năm đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công… dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ dồn vào cuối năm. Điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân theo định hướng của tỉnh.

Thi công dự án sửa chữa, nâng cấp đập Tha La, huyện Tân Châu, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư. (Nguồn: báo Tây Ninh)

Ngoài ra, một số dự án chuyển tiếp có vốn lớn nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện điều chỉnh, phát sinh hạng mục cho phù hợp tình hình triển khai thực tế như dự án đường 794, 795, dự án Hệ thống thu gom xử lý nước thải thành phố Tây Ninh…

Cũng theo ông Dương Văn Thắng, một số gói thầu phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu do thực hiện các điều khoản chuyển tiếp vì có nhiều thay đổi các văn bản pháp luật về công tác đấu thầu. Một số dự án như Trường Trung học Cơ sở Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), Dự án Xử lý nước thải Hòa Thành giai đoạn 2 (thị xã Hòa Thành), Dự án Đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gò Dầu, Dự án Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao giai đoạn 2 do vướng mặt bằng và các thủ tục về đất đai.

Mặc khác, nhiều dự án do tình hình tài chính của nhà thầu gặp khó khăn, trong khi thực hiện đồng thời nhiều dự án lớn, nguồn vật liệu đá, sỏi của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án giao thông lớn đang triển khai… Đặc biệt, một nguyên nhân chính khác là do vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác thanh kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…

Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng cơ bản năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng các biện pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cấp chính quyền; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng cơ bản, trong 6 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng các biện pháp như đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng cho rằng các đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp luân chuyển cán bộ. Theo đó, từng tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đầu tư công cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và hành động quyết liệt để tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, Sở Kế và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện triển khai dự án; thực hiện việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, phối hợp các đơn vị kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý các vướng mắc nếu có và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2024 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng cho biết nhằm đảm bảo hiệu lực, tính nghiêm minh trong thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với công tác xây dựng cơ bản, các đơn vị chủ đầu tư được giao vốn có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh./.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây