Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về chiến thuật của quân chủ lực miền Nam

Thứ ba - 03/12/2024 09:36 45 0

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới để đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân chủ lực miền Nam mà còn góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đầu năm 1964, trên chiến trường miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị cùng với hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang địa phương đã làm thất bại một bước quan trọng quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn càng thêm sâu sắc; kế hoạch Xtalây-Taylo phá sản hoàn toàn. Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, từ tháng 3-1964, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch mới, Kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lấy Bình Giã làm điểm quyết chiến của chiến dịch. Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ đêm 02/12/1964 đến ngày 03/01/1965, được chia thành 2 đợt: đợt 1: từ ngày 2 đến 17 tháng 12 năm 1964; đợt 2, từ 27 tháng 12 năm 1964 đến 3 tháng 1 năm 1965.

bg5

Rạng sáng ngày 2 tháng 12 năm 1964, chiến dịch mở màn, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng Đại đội 445 (bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa) đánh vào “ấp chiến lược” Bình Giã thực hiện mở đầu và “khơi ngòi” chiến dịch. Khi ấp Bình Giã bị tiến công, địch điều Tiểu đoàn 38 biệt động quân đến ứng cứu và đã bị ta đánh thiệt hại nặng. Tuy nhiên, do ta sử dụng lực lượng “khơi ngòi” không phù hợp, nên không chiếm được toàn bộ “ấp chiến lược” Bình Giã; khi địch phản kích, ta không trụ lại được, chưa tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự, trận đánh khơi ngòi không đạt yêu cầu đề ra, bộ đội ta phải chuyển ra ngoài khu vực Bình Giã. Đến ngày 7 tháng 12 năm 1964, ta sử dụng Đại đội 445 được phối hợp 1 đại đội của Trung đoàn 761 tiến công ấp Bình Giã lần 2 và điều 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 761 và 762 tiến công chi khu quân sự Đất Đỏ để kéo địch đến tiếp viện. Trong trận tiến công này ta tiêu diệt được 1 đại đội quân Việt Nam cộng hòa. Sáng ngày 9 tháng 12 năm 1964, do áp lực của ta ở Bình Giã, Đức Thạnh, Đất Đỏ, địch phải tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33”, dùng Chi đoàn thiếp giáp số 3 giải tỏa dọc Đường số 2 lên đến Bình Giã, Đức Thạnh. Khi đoàn xe cơ giới địch từ Đức Thạnh trở về, lọt vào trận địa phục kích của ta, toàn trung đoàn vận động xuất kích, thực hiện chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt đội hình địch ra làm hai. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3, gồm 14 chiếc M113, diệt trên 100 tên địch, có 9 cố vấn Mỹ, 5 sĩ quan quân đội Sài Gòn, thu nhiều vũ khí trang bị. Đây là lần đầu tiên ở chiến trường miền Đông, ta diệt gọn 1 chi đoàn thiết giáp địch, đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch và bước đầu ta đã thành công trong việc điều viện binh của địch tới để tiêu diệt.

Rút kinh nghiệm đợt 1, bước vào đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tập trung toàn bộ lực lượng trên khu vực Bình Giã, Đức Thạnh và Đường số 2 đánh chiếm và trụ lại “ấp chiến lược” Bình Giã, dùng hỏa lực uy hiếp mạnh chi khu quân sự Đức Thạnh, buộc địch phải tiếp viện ứng cứu. Lực lượng còn lại của Trung đoàn 761 bố trí sẵn sàng vận động tiến công tiêu diệt quân địch đến tiếp viện bằng đường bộ hoặc đường không.  Đêm ngày 27 tháng 12, ta tiến công và làm chủ “ấp chiến lược” Bình Giã; ngày 28 tháng 12, địch điều Tiểu đoàn 33 biệt động quân để cứu nguy cho “ấp chiến lược” Bình Giã. Do phán đoán đúng ý định của địch, ta đã bố trí lực lượng phòng không, hạ tại chỗ 12 máy bay lên thẳng, địch không thể đổ quân xuống đông bắc Bình Giã mà buộc phải đổ quân xuống đông nam Bình Giã, vào đúng trận địa phục kích của Trung đoàn 761. Khi Tiểu đoàn 33 biệt động quân vừa đặt chân xuống đất liền bị hỏa lực của ta bắn trùm lên đội hình, các đơn vị đồng loạt xung phong diệt gần hết tiểu đoàn này. Ngày 30-12, Trung đoàn 761 đã bắn rơi máy bay lên thẳng trinh sát có cố vấn Mỹ. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định và xác định phương án phục kích diệt địch khi địch đưa lực lượng đến tìm xác cố vấn Mỹ. Chiều ngày 31 tháng 12, khi địch lọt vào trận địa phục kích, bộ đội nhất loạt nổ súng nhanh chóng diệt gọn Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ với gần 600 tên, kết thúc thắng lợi trận then chốt thứ 3 của chiến dịch... Sau 7 ngày chiến đấu liên tục, ta giành thắng lợi lớn. Đến ngày 3 tháng 1 năm 1965, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh kết thúc chiến dịch tiến công Bình Giã.

bg02

Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về chiến thuật, đặc biệt là nghệ thuật “tạo thế, khơi ngòi” để điều viện binh địch. Việc chọn điểm “khơi ngòi” vào “ấp chiến lược” Bình Giã là một quyết định sáng suốt của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, bởi vì “ấp chiến lược” Bình Giã là một vị trí có giá trị cả về quân sự và chính trị; là một mắt xích trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn. “Ấp chiến lược” Bình Giã được chính quyền Sài Gòn coi là ấp “kiểu mẫu”, vì ở đây tập trung phần lớn là gia đình hậu phương của các lực lượng biệt động quân và thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa cùng phần đông giáo dân bị địch lợi dụng chống phá ta. Vì vậy, khi ta đánh ấp Bình Giã, địch sẽ phản ứng ngay bằng cả đường bộ và đường không. Mặt khác, Bộ chỉ huy chiến dịch chọn “ấp chiến lược” Bình Giã phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực lúc đó. Nếu như chọn chi khu Xuyên Mộc làm điểm khơi ngòi của chiến dịch thì ta hoàn toàn bất lợi, bởi vì ở đó địch xây dựng công sự vững chắc, mà trình độ đánh công kiên của bộ đội ta còn hạn chế, nên khó chiếm được chi khu để kéo địch ra tiêu diệt. Thực tiễn diễn biến của chiến dịch đúng như nhận định và kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch. Khi “ấp chiến lược” Bình Giã bị tấn công, địch đã vội vã điều quân đến ứng cứu trong thế bị động, lúng túng. Ngược lại, lực lượng ta chủ động chặn đầu, khóa đuôi, bao vây, chia cắt, đánh cả phía trước, phía sau, bên sườn, đánh địch cả trên không, mặt đất tiến tới tiêu diệt gọn từng bộ phận. Ngoài việc tập trung lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu thì Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch đã phát động nhân dân nổi dậy, giành quyền làm chủ, giải phóng đất đai.

Chiến dịch Bình Giã tuy nhỏ, với quy mô liên trung đoàn, nhưng có ý nghĩa lớn về chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, có nghệ thuật đặc trưng, đó là nghệ thuật “tạo thế, khơi ngòi”, một cách đánh độc đáo và sáng tạo của quân chủ lực miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch đã để lại những kinh nghiệm vô cùng quý báu cho chiến dịch sau này trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây