Những địa danh mang tên cây

Chủ nhật - 12/11/2023 17:59 761 0

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều địa danh được hình thành từ tên của những loài cây; có địa danh trở thành tên huyện, và cũng có địa danh chỉ lưu truyền trong dân gian.

Thị trấn Gò Dầu. Ảnh: Hải Triều

Tên cây trở thành tên huyện

Trong “Trảng Bàng phương chí”, tác giả Vương Công Đức chỉ rõ: “Nơi được gọi Trảng Bàng đầu tiên chính là khu vực nằm phía trước Trường THPT Nguyễn Trãi, sau lưng Bưu điện và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện…”. Thế kỷ XVIII - XIV, cư dân sinh sống ở Trảng Bàng phần lớn từ các tỉnh miền Trung vào, chủ yếu là vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Huế. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, hiện nay, Trảng Bàng đã trở thành thị xã với 10 đơn vị hành chính cấp phường, xã.

Theo Wikipedia, nguồn gốc tên gọi Trảng Bàng được lý giải như sau: Nếu theo từ nguyên thì “trảng” là vùng đất thưa cây cối thân gỗ, chỉ có cây thân cỏ mới mọc được vì nó là vùng trũng lại ngập nước, và bàng (một loại cây gần giống cói) là loài cây thân cỏ dùng trong việc đan đệm có nhiều ở cái trảng này, cho nên người dân trong vùng quen gọi là Trảng Bàng.

Xứ Trảng ngày xưa, nay đã trở thành một trong những đơn vị phát triển mạnh về kinh tế - văn hoá của tỉnh. Trảng Bàng là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất trong tỉnh, gồm: Khu công nghiệp Trảng Bàng, Thành Thành Công, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, một phần Khu công nghiệp Phước Đông. Trảng Bàng còn được nhiều du khách gần xa biết đến với món ăn bánh canh, bánh tráng phơi sương nức tiếng, hay nghề rèn truyền thống ở Lộc Trát v.v...

Tên gọi huyện Gò Dầu cũng bắt nguồn từ tên một loài cây thân gỗ. Vào thế kỷ XVII, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, nội chiến kéo dài, dân tình đói khổ, một số đồng bào miền Trung rời bỏ quê vào Nam, đến Cần Giờ, Bến Nghé… làm ăn sinh sống; có người tiếp tục theo đường sông đi lên phía Bắc, đến vùng đất Trảng Bàng khai hoang lập nghiệp. Trong số này có 16 gia đình ở làng Nhật Tảo, gồm các họ: Lê, Nguyễn, Trần, Cái, Trương… theo sông Vàm Cỏ đến vùng đất hoang vu có nhiều cây dầu trên một gò đất cao, họ dừng chân lập nghiệp tại đây và đặt tên cho làng là Gò Dầu.

Ông Trần Hùng Dũng- nguyên Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bến Cầu giải thích thêm, trước đây, ở khu vực này có 2 địa danh gọi là Gò Dầu Thượng và Gò Dầu Hạ. Gò Dầu Thượng là bên bờ phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, xưa kia là vùng đất hoang vu, rừng rậm, thú dữ, được bao bọc bởi đầm lầy, sông rạch, ở giữa một cái gò cao có nhiều cây dầu, cây lớn cỡ bằng 3-4 ôm tay người lớn. Gò Dầu Thượng nay là xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Trên địa bàn xã còn có dinh Ông được xây dựng khá quy mô với nhiều cây dầu cổ thụ.

Gò Dầu Hạ là vùng đất thấp hơn so với Gò Dầu Thượng, nằm bên bờ phía Đông của dòng sông Vàm Cỏ, nay là thị trấn thuộc huyện Gò Dầu. Thời xưa, khu vực Gò Dầu Hạ cũng có nhiều cây dầu nhưng mọc thưa thớt.

Nhiều địa danh chỉ lưu truyền trong dân gian

Ngoài địa danh dốc Cây Me ở phường 1, TP. Tây Ninh, thời gian gần đây được nhiều người nhắc đến do sự cố cây me cổ thụ bị ngã, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn nhiều địa danh chỉ lưu truyền trong dân gian.

 Nói về ngã ba Mít Một, thuộc phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành, ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, tôn giáo ở Tây Ninh và từng có bài viết về địa danh này, cho biết: “Một chủ quán cà phê tại ngã ba Mít Một tự nhận là cháu cố của chủ đất ở vùng này, kể rằng: xưa kia, nơi đây có cây mít rất nhiều trái. Mỗi mùa mít chín phải thuê người đến hái đem đi. Trái sai đến nỗi những người xung quanh đều cho rằng đó là cây mít “độc nhất vô nhị”, cây mít “số một”, từ đó, hình thành địa danh Mít Một”.

Ông Tiền, 60 tuổi, nhà ở gần ngã ba Mít Một kể, khi còn bé đã không thấy cây mít ở đây. Theo lời ông bà truyền lại, cây mít có từ thời Pháp, sau đó bị đốn hạ lúc nào không ai nhớ.

Tương tự, ở phường 3, TP. Tây Ninh vẫn còn địa danh ngã ba Bọng Dầu, hiện là giao lộ của đường Cách Mạng Tháng Tám với đường Hoàng Lê Kha. Theo nhiều người cao niên kể, trước đây, ở gần ngã ba có 3 cây dầu khá to, một số người đục khoét thân cây để lấy dầu làm chất đốt, làm dầu chai trét xuồng ghe. Lâu năm, nơi bị đục khoét ấy trở thành lỗ bọng khá to, người dân địa phương gọi nơi đây là ngã ba Bọng Dầu.

Khu công nghiệp Trảng Bàng. Ảnh Hải Triều

Bà Phạm Ngọc Trinh, hơn 60 tuổi, ngụ gần ngã ba Bọng Dầu nhớ lại, hơn 30 năm trước, do nâng cấp mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám, những cây dầu đã bị đốn hạ. Vị trí có những cây dầu hiện giờ là quán cà phê, quán ăn, gần Bệnh viện Lê Ngọc Tùng.

Cũng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn ngang địa bàn phường IV, TP. Tây Ninh có địa danh Cây Gõ. Ông Liên Văn Minh, 70 tuổi, ngụ gần khu vực Cây Gõ nhớ lại, sau ngày miền Nam giải phóng 30.4.1975, ông về Tây Ninh sinh sống. Thời gian đó, ở gần đầu hẻm số 68 đường Cách Mạng Tháng Tám có một cây gõ khá to, cụt đọt, cao khoảng 4m, bị rỗng ruột. Cây gõ nằm trong phần đất của gia đình ông Bảy Hớn. Khoảng 30 năm trước, khi đường Cách Mạng Tháng Tám được đầu tư nâng cấp, mở rộng, cây gõ bị đốn. Sau đó, ông Hớn sang nhượng lại phần đất này đi nơi khác làm ăn sinh sống. Khu đất có vị trí cây gõ ngày xưa, hiện nay trở thành khu phố với nhiều cửa hàng sang trọng.

“Cây gõ không còn nhưng địa danh vẫn còn nhiều người biết đến. Vừa rồi, có mấy đứa em ở TP. Hồ Chí Minh lên thăm. Xe trung chuyển chở tới Toà thánh, chúng gọi điện hỏi đường, tôi bảo chở đến chỗ Cây Gõ, tài xế tìm được liền”- ông Minh kể.

Ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành có địa danh Gò Duối. Nơi đó có một khu đất gò và cây duối cổ thụ ước tính đã hơn 100 tuổi. Ngay tại gốc cây duối có dinh thờ Quan đại thần Huỳnh Công Nghệ. Cách dinh thờ vài chục mét là mộ Ông Voi.

Theo nhiều người lớn tuổi ở địa phương, ngày xưa, đây từng là nơi ông Huỳnh Công Nghệ cưỡi voi luyện quân. Hằng năm, vào ngày 16, 17 tháng Giêng, người dân địa phương tổ chức lễ cúng dinh, có nghi lễ rước ông voi về dinh cúng giỗ.

Ngoài những địa danh kể trên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều tên xã được đặt theo tên các loài cây, như: Chà Là, Bàu Năng, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu); Suối Dây, Suối Ngô (huyện Tân Châu); hay Vên Vên, Bàu Nâu (huyện Gò Dầu), Bàu Cỏ (huyện Tân Châu), Trại Bí (huyện Tân Biên)...

Đại Dương

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây