Quần thể công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét cổ kính khiến những ai đến chiêm bái cũng rất ấn tượng.
Sau chuyến hành trình lần đầu đến đỉnh núi Bà Đen, Thượng toạ Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh xúc động nói: “Quần thể chùa Bà trên núi Bà Đen chính là một thánh tích, trực giác của tôi mách bảo, nơi đây rất linh thiêng và nhiệm màu”.
Tăng, ni chiêm bái trụ kinh Bát Nhã.
Trong không gian trang nghiêm như chốn bồng lai giữa một quần thể các công trình tâm linh cổ kính và hiện đại trải dài khắp núi Bà Đen, một đoàn khách tham quan gần 400 tăng ni, phật tử đã đến thành tâm đảnh lễ, chiêm bái, cầu an.
Đó là đoàn tăng ni, phật tử vừa tham dự Đại giới đàn Tâm Hoà lần thứ X tại chùa Linh Sơn Phước Trung và Long Châu Phước Trung (núi Bà Đen) do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức (từ ngày 5 - 8.8).
Đại giới đàn Tâm Hoà được tổ chức 3 năm một lần, để truyền trao giới pháp, đáp ứng nguyện vọng thọ giới của các giới tử trong và ngoài tỉnh tu học, hành đạo, trang nghiêm tự thân. Thượng toạ Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, Đại giới đàn Tâm Hoà lần thứ X có 232 giới tử đăng ký thọ lãnh giới pháp. “Đối với tu sĩ Phật giáo, khi xuất gia đi tu phải đăng đàn thọ giới. Giới đàn là thước đo được năng lực tu hành của một tu sĩ, qua đó, thể hiện sự phát tâm, tu trì, nghiêm minh với luật, trang nghiêm với đức”- Thượng toạ Thích Thiện Thức nói.
Tăng, ni tìm hiểu về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim video 3D mapping.
Thượng toạ Thích Thiện Thức lý giải thêm, Hoà thượng Thích Tâm Hoà là vị sư khai sinh tạo tự ở núi Bà Đen; đồng thời cũng là người tạo nền tảng cho Phật giáo tại Tây Ninh phát triển. Để nhớ công đức của ông, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã lấy tôn hiệu Hoà thượng Tâm Hoà làm giới đàn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh từ khi thành lập (1989) đến nay đã tổ chức 10 giới đàn. Đặc biệt, giới đàn này được chọn tổ chức ở chính nơi vị sư khai sinh tạo tự càng mang ý nghĩa lớn hơn.
Núi Bà Đen có độ cao 986m, là ngọn núi linh thiêng, cao bậc nhất trong vùng Đông Nam bộ với một hệ thống chùa, am, động, miếu và các công trình tâm linh độc đáo. Quần thể chùa Bà gồm 6 ngôi chùa trải dài từ chân lên đến lưng chừng núi Bà Đen. Nằm ngay dưới chân núi là chùa Linh Sơn Phước Trung (còn gọi là chùa Trung); sau đó đến chùa Long Châu Phước Trung; Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) cũng là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ 18 nằm ở lưng chừng núi ở độ cao 350m gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu được tôn là Bồ tát, là biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ; chùa Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng), ngôi chùa nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen.
Du khách sẽ có dịp chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn trên đường đến ngôi chùa này; chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang) và chùa Quan Âm. Đặc biệt, quần thể công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét cổ kính khiến những ai đến chiêm bái cũng rất ấn tượng.
Thượng toạ Thích Thiện Thức nói: “Giới đàn được tổ chức trong quần thể chùa Bà, nơi mang nhiều vẻ đẹp về lịch sử, văn hoá, kiến trúc. Đặc biệt, nơi này cũng là một dữ kiện cho sự phát triển du lịch tâm linh, nét đẹp văn hoá, nét đẹp về Phật giáo Việt Nam”.
Đại giới đàn Tâm Hoà được tổ chức 3 năm một lần, để truyền trao giới pháp, đáp ứng nguyện vọng thọ giới của các giới tử trong và ngoài tỉnh tu học, hành đạo.
Trên quảng trường rộng lớn nằm ở đỉnh núi, gần 400 tăng ni- trong sắc áo cà sa nghiêm trang chiêm bái trụ kinh Bát Nhã cao hơn 20m, khắc 12.000 chữ Tây Tạng dát vàng. Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Các giới tử tham quan khu trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Các tăng ni, phật tử tìm hiểu và khám phá về sự hình hành vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim 3D mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại.
Đặc biệt, các phật tử đảnh lễ trước xá lợi Đức Phật Thích Ca, an toạ trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, trong trung tâm triển lãm Phật giáo, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014, được chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định) cúng dường.
Chùa Trung, nơi tổ chức Đại giới đàn Tâm Hoà lần thứ X.
Sau chuyến hành trình đầy ý nghĩa lên đỉnh núi, Thượng toạ Thích Thiện Thức nói: “Ở Tây Ninh đến nay đã 45 năm, đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đến đỉnh núi Bà Đen. Tôi thực sự xúc động khi được đảnh lễ trước xá lợi đức Phật Thích Ca - đó là kết tinh của đức tin, của niềm tin và sự thanh tịnh. Cảm giác của chư tăng được về nhà thăm Thầy”.
Thượng toạ Thích Thiện Thức chia sẻ: “Quần thể chùa Bà trên núi Bà Đen chính là một thánh tích, trực giác của tôi mách bảo, nơi đây rất linh thiêng và nhiệm màu”.
Một vị Tăng sĩ cầu nguyện và xoay bánh xe kinh luân tại tầng hai của khu triển lãm Phật giáo dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong 7 tháng năm 2023, du lịch Tây Ninh thu hút trên 3,7 triệu lượt khách tham quan, tăng 10,4% so cùng kỳ, đạt 74,2% so với kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ, đạt 87,5% so kế hoạch năm 2023.
Phan Dương
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc