Bảo vệ những giá trị cốt lõi trong gia đình

Thứ tư - 06/11/2024 09:17 86 0

Gia đình là tế bào của xã hội. Bảo vệ các giá trị cốt lõi truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng chính là bảo vệ những giá trị cốt lõi của xã hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Một tiết mục dự thi của Hội LHPN nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc.

5 tiêu chí ứng xử trong gia đình

Hạnh phúc gia đình, nền tảng gia đình hiện nay đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức từ cuộc sống hiện đại. Hạnh phúc, sự phát triển, trưởng thành của trẻ em, các thành viên bị đe doạ dẫn đến rạn nứt trong gia đình đến từ nhiều nguyên nhân.

Đó có thể là áp lực từ kinh tế khiến nhiều gia đình bị cuốn theo công ăn việc làm mà quên dành thời gian cho nhau. Sự bùng nổ của công nghệ cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến sự tương tác, giao tiếp giữa các thành viên.

Việc mọi người dành “chìm đắm” vào thế giới ảo đã khiến những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình như trò chuyện, tâm tình ít dần đi. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, chia sẻ; sự mất cân bằng giữa phân công trách nhiệm… không chỉ ảnh hưởng đến sự hoà thuận, ổn định trong gia đình mà còn dần khiến mọi người xa rời nhau.

Thực tế đã có không ít câu chuyện con cái không nghe lời cha mẹ, thậm chí dùng bạo lực đối với cha mẹ; lối sống buông thả trong một bộ phận thanh, thiếu niên dẫn đến những cái kết không mấy vui vẻ; hay sự thiếu quan tâm, mất hạnh phúc của gia đình khiến trẻ bị rơi vào chứng trầm cảm; sự thiếu thuỷ chung trong gia đình khiến tỷ lệ ly thân, ly hôn tăng cao...

Gia đình là tế bào của xã hội. Một khi nền móng gia đình không vững chắc sẽ gây ra những xáo trộn, bất ổn trong xã hội. Từ đó, những mặt trái có cơ hội phát triển, cái xấu bắt đầu lan tràn.

Để dần xoá bỏ những nguy cơ ấy, đưa ra định hướng cho sự phát triển bền vững của gia đình, ngày 28.1.2022, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ký Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Mục tiêu là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hoá con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa và chị Nguyễn Như Nguyệt tại hội thi “Gia đình đọc sách” do Thư viện tỉnh tổ chức.

Bộ tiêu chí nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Bộ tiêu chí hướng đến các đối tượng là thành viên gia đình gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng...

Bộ VH,TT&DL đặt ra 5 tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, Tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: chung thuỷ, nghĩa tình. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: hoà thuận, chia sẻ.

Nhiều hoạt động hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc

Từ Bộ tiêu chí của Bộ VH,TT&DL, ngày 29.3.2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025.

Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục đích đến năm 2025 Tây Ninh đạt 70% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30.12.2021.

Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở VH,TT&DL chủ trì tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nội dung tài liệu hướng dẫn, tham mưu ban hành các văn bản triển khai và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Sở Nội vụ tham mưu, triển khai hiệu quả chương trình phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL và Uỷ ban Dân tộc, lồng ghép hoạt động triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình dân tộc thiểu số nhân Ngày văn hoá các dân tộc.

UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, hướng dẫn lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng quy ước tại địa phương; lồng ghép nội dung triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH) tại địa phương.

Trường liên cấp IGC tổ chức “Gia đình mình là số 1”.

Từ khi triển khai đến nay, phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình đạt được nhiều kết quả; việc xây dựng các danh hiệu văn hoá được đẩy mạnh thực hiện ở khu dân cư, trong từng các cơ quan, đơn vị, trường học một cách thường xuyên, nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở các ấp, khu phố.

Kết quả năm 2023, hơn 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 99% ấp, khu phố đạt danh hiệu “Ấp, khu phố văn hoá”, 98% cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo văn minh; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 100% ấp, khu phố đã xây dựng quy ước khu dân cư.

Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức triển khai phong trào “TDĐKXDĐSVH”, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25.11 được tập trung đẩy mạnh.

Sở VH,TT&DL tổ chức Ngày hội gia đình tỉnh năm 2024; Thư viện tỉnh tổ chức hội thi “Gia đình đọc sách” năm 2024; Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức giao lưu “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, phối hợp với Sư đoàn 5 tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Giáo dục đời sống gia đình” lan toả thông điệp lòng yêu nước, khát vọng cống hiến, tình yêu gia đình đến các đối tượng thanh niên, người dân. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan; họp mặt, giao lưu văn nghệ…

Tất cả các hoạt động nhằm lan toả thông điệp “Gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ”, “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, “Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây