Hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh

Thứ tư - 11/12/2024 10:02 23 0

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Hỗ trợ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, nhiều nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi giá trị cao áp dụng vào sản xuất những quy trình kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, theo hướng xanh, sạch, cho ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Dưa lưới tại Hoàng Xuân Farm được trồng theo công nghệ cao.

Ước tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 386.560 ha; ước tổng diện tích chuyển đổi năm 2024 đạt 1.500 ha (chủ yếu từ diện tích cây lúa, mía, cao su hiệu quả thấp sang trồng mì và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế).

Luỹ kế từ năm 2016 đến cuối năm 2024 tỉnh đã chuyển đổi 43.331 ha, trong đó chuyển sang trồng cây hằng năm là 34.300 ha và chuyển sang trồng cây lâu năm là 6.500 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 - 5 lần so với cây truyền thống.

Công tác triển khai quản lý và cấp mới mã số vùng trồng được thực hiện thường xuyên. Trong năm, tỉnh đã cấp mới 37 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 601 ha gồm: 1 mã số vùng trồng nội địa với 4,9 ha và 27 mã số vùng trồng xuất khẩu với 465 ha, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Liên minh châu Âu (EU), New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ.

Sầu riêng được cấp mã truy xuất nguồn gốc đáp ứng xuất khẩu.

Trong đó, có 7 mã số nội địa và 5 mã số vùng trồng, 4 mã số vùng trồng xoài Thái với diện tích 10,6 ha để xuất khẩu sang 4 thị trường Úc, EU, Hàn Quốc, New Zealand; 1 mã số vùng trồng thanh nhãn với diện tích 10 ha xuất khẩu sang thị trường Úc đã được nước nhập khẩu cấp mã số; 25 mã số còn lại đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt.

Luỹ kế toàn tỉnh đã cấp 25 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 204 ha cho các loại cây trồng gồm: dưa leo, lúa, rau ăn lá, mãng cầu, bưởi, mít, mì, sầu riêng, đậu phộng, dưa lưới; 62 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với diện tích 1.522,7 ha, trong đó có 27 mã số vùng trồng đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Úc. 33 mã số vùng trồng với diện tích 889,6 ha đang chờ nước nhập khẩu Trung Quốc và Mỹ phê duyệt.

Mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu, tỉnh đã cấp mới 1 mã số cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Đến nay, tỉnh có 6 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được nước nhập khẩu phê duyệt gồm: 4 mã số cơ sở đóng gói chuối, 1 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã triển khai hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc cây trồng cho các vùng trồng được cấp mã số. Hiện nay đã có 17 tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản đăng nhập 2 trang web để cập nhật thông tin về truy xuất nguồn gốc cây trồng với diện tích 289,9 ha.

Năm 2025: Phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh

Theo Sở NN&PTNT, việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, nông dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao do vùng nguyên liệu còn đan xen, khó thực hiện cơ giới hoá; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thời tiết khí hậu, dịch bệnh, thị trường, đòi hỏi nguồn vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vì vậy, thực hiện cơ cấu lại kinh tế vẫn theo định hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức như: chi phí sản xuất, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá bán các mặt hàng nông sản biến động bất thường; cạnh tranh về thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm đòi hỏi người sản xuất phải thay đổi phương thức canh tác để hội nhập theo nền kinh tế thị trường.

Sở NN&PTNT cho biết, trong năm 2025, ngành tập trung phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; sản xuất theo yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh như: áp dụng các biện pháp xử lý chất thải bảo đảm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý, giám sát và tiếp tục đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm đối với những vùng trồng cây ăn quả có diện tích sản xuất lớn, nhu cầu xuất khẩu; phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ)...

Ngành tập trung phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất; tiếp tục khuyến khích các nhà máy ứng dụng và chuyển đổi thiết bị, công nghệ chế biến hướng đến đa dạng các loại sản phẩm chế biến rau củ quả, tinh bột, mía đường, cao su đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu… Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư cơ sở chế biến sâu các loại nông sản, nhất là thu hút nhà máy chế biến tại các khu đất trong Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tân Châu.

Bên cạnh đó còn quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kết nối vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia kết nối tiêu thụ nông sản, liên kết với các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh cũng như tham gia các sàn thương mại điện tử, nhất là sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Dự kiến trong năm 2025, Sở NN&PTNT phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia 4 hội chợ và sự kiện; tăng cường công tác thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình hình giá vật tư nông nghiệp, giá cả thị trường để người dân chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây