Kinh tế Tây Ninh vượt thách thức, bứt phá, tăng tốc

Chủ nhật - 21/07/2024 23:15 87 0

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra.

Năm 2024 được tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra. 6 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ và thuộc top 20 của cả nước.

Hệ thống cáp treo Sun World Ba Den Mountain (Ảnh tư liệu)

NHIỀU NGÀNH, LĨNH VỰC TĂNG TRƯỞNG HAI CON SỐ

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của UBND tỉnh cho thấy có nhiều điểm sáng thể hiện qua sự tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực đạt tăng trưởng hai con số.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện gần 29.800 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, tăng so với kế hoạch năm. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17% - 47% - 31,5%.

Đáng chú ý là sự phục hồi của lĩnh vực công nghiệp- động lực tăng trưởng chính của tỉnh. 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,5%. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng, trong đó có một số sản phẩm có mức tăng cao như bột mì, quần áo các loại, clanke pooland, điện thương phẩm…

Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch khoảng 3,4 triệu lượt, đạt 61,9% so kế hoạch, giảm nhẹ so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng, đạt 80,2% so kế hoạch, tăng 34,1% so cùng kỳ.

Để đạt được kết quả này, các nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2024 được tỉnh triển khai đồng bộ, tăng cường xúc tiến, quảng bá. Có thể kể đến như các chuỗi sự kiện văn hoá - du lịch, lễ hội và chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Nam bộ như Hội xuân núi Bà Đen năm 2024 với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”, chương trình “Bình Phước với Tây Ninh - Một cung đường 2 điểm đến”, đoàn Famtrip Bình Dương với chủ đề “1 cung đường, 3 điểm đến” và các chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối tuyến, điểm tham quan giữa các địa phương…

Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực chỉnh trang cơ sở vật chất và dịch vụ, tăng cường sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Một tín hiệu phấn khởi là khách du lịch đến Tây Ninh hiện nay không chỉ tập trung vào dịp lễ, tết mà còn trải đều các tháng trong năm.

6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trong nước tăng 97,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 7,6%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 57,4% dự toán, tăng 14,9% so cùng kỳ... Đây là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Tây Ninh.

Bay dù lượn trên hồ Dầu Tiếng - một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn của Tây Ninh (Ảnh: Đại Dương)

XÁC ĐỊNH RÕ CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, có 4 nhóm động lực tăng trưởng chính, trước hết là động lực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026 do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban và Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm.

Nhóm động lực thứ hai là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh sau đại dịch.

Động lực thứ ba là từ việc chủ động, tích cực khai thác có hiệu quả các nguồn thu. Từ tỉnh tới các địa phương, đặc biệt là ngành Thuế đã chủ động, tích cực, khai thác hiệu quả các nguồn thu, đóng góp đáng kể như nguồn thu cho thuê đất tăng cao, nguồn thu từ các dự án đã hết thời gian thụ hưởng ưu đãi đóng góp khá lớn cho ngân sách địa phương.

Động lực thứ tư là sự cải thiện đáng kể về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023 Tây Ninh đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng thứ 6/63 thuộc nhóm 10 tỉnh có chất lượng quản trị môi trường tốt nhất.

Các chính sách về giảm thuế, giảm lãi suất vay của Chính phủ đã được tỉnh triển khai đến đối tượng thụ hưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được quan tâm, đổi mới, đa dạng hoá hình thức, mở rộng hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phân tích, dự báo và tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những giải pháp thúc đẩy tăng trong 6 tháng cuối năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiều Công Minh cho biết, lĩnh vực công nghiệp và du lịch, dịch vụ tiếp tục sẽ là những động lực chính và đây cũng là hai lĩnh vực cần có chính sách tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đạt tăng trưởng cao hơn.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi, sản xuất dần ổn định, doanh số sản xuất gia tăng. Dự kiến có thêm 8 dự án đầu tư trong năm 2023 đi vào hoạt động từ năm 2024 sẽ có đóng góp nhiều hơn cho giá trị sản lượng công nghiệp; 31 dự án đang thi công sẽ là dư địa tăng trưởng công nghiệp cho những năm tiếp theo.

Đối với triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin: “Dự kiến mới chỉ có 2 dự án triển khai được khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm giai đoạn 3 KCN Phước Đông và dự án khu đô thị mới phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh; các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện pháp lý. Hiện nay, vẫn còn những khó khăn khiến việc triển khai một số dự án trọng điểm có phần chậm so với kỳ vọng, cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ”.

Để thúc đà tăng trưởng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết cần tiếp tục phát huy các động lực tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục về đầu tư công, công tác đền bù GPMB đẩy nhanh các tiến độ dự án đầu tư công trọng điểm. Song song đó, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB giai đoạn 3 KCN Phước Đông, hoàn thành thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Thạnh… UBND tỉnh phối hợp các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn để tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án FDI để tăng tỷ lệ “lấp đầy” các KCN.

UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ, du lịch, đầu tư phát triển nhiều sản phẩm du lịch để “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất một số khu đất công sau khi đã hoàn thành cơ sở pháp lý và tiếp tục chỉ đạo có kết quả rõ nét hơn trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Kết quả thực hiện một số dự án trọng điểm:

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp thông qua thống nhất các nội dung Thành phố Hồ Chí Minh trình Bộ KH&ĐT lấy lại ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 6.2024.

Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh): Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã họp cho ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó UBND tỉnh có văn bản gửi nhà đầu tư nghiên cứu thêm phương án: vốn ngân sách tỉnh chỉ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đối với phần chi phí xây dựng, đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần, phần còn lại nhà đầu tư cân đối thực hiện. Trường hợp Trung ương không cân đối được nguồn vốn hỗ trợ chi phí xây dựng, nhà đầu tư tự huy động, sắp xếp thêm nguồn vốn hợp pháp khác để cân đối đầu tư toàn bộ phần chi phí xây dựng.

Một số công trình, dự án giao thông đang tập trung thi công (đường liên tuyến kết nối vùng N9-787B-789; nâng cấp, mở rộng ĐT.795; đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2); dự án đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư (chỉnh trang đường CMT8 từ cầu Quan đến Điện Biên Phủ; đường ĐT.784C (Bàu Năng - Bàu Cóp); nâng cấp đường kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tân Nam - đoạn từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783; dự án đường Trường Chinh).

Xây dựng Cửa khẩu quốc tế Tân Nam: Bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự kiến sau khi kết quả đo đạc bản đồ được Sở TN&MT nghiệm thu, UBND huyện Tân Biên thực hiện thu hồi đất theo quy định với diện tích 30 ha theo quy hoạch được duyệt. Sau khi thu hồi đất, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh lập hồ sơ xin giao đất trình Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh giao đất theo quy định.

Dự án Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ trên đỉnh núi Bà Đen đang thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng rừng.
(Theo báo cáo của UBND tỉnh)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây