Tỉnh Tây Ninh phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ năm - 13/06/2024 10:25 139 0

Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tây Ninh sẽ góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Na được trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đến kỳ thu hoạch ở Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tây Ninh hiện đang là một trong những địa phương đang tích cực thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khi có nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, đầu tư và xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã có nhiều đánh giá tốt đẹp đối với Tây Ninh; trong đó nhấn mạnh, Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò kết nối với thị trường Campuchia.

Đặc biệt, vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn.

Ông Gabor Fluit cũng cho biết vấn đề của ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện nay là phải phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh và các yêu cầu nhập khẩu của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã được ký kết.

Đặc biệt, sự quyết tâm, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương, các cấp và các sở ngành tại Tây Ninh đã thúc đẩy những ý tưởng của doanh nghiệp và địa phương thành hiện thực.

Đó là lý do hàng loạt doanh nghiệp thuộc EuroCham đã tìm đến Tây Ninh tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai các dự án tại Tây Ninh thời gian qua.

Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2024.

Cùng với đó là 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh đang được tăng tốc để kịp triển khai trong giai đoạn 2025-2030 do liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, như đã “thổi” thêm luồng gió mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Người dân sử dụng các chế phẩm sinh học và phân bón tự nhiên để phục hồi cho cây sầu riêng sau thu hoạch. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Cùng với quỹ đất lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tây Ninh đang có những chính sách nhằm trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư chiến lược.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị là định hướng phát triển ưu tiên và là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh.

Chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN đã và đang là một trong những dự án quan trọng góp phần lan tỏa mạnh mẽ, giúp hiện thực mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn của địa phương.

Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể. Từ đó, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nhiều nhà vườn đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới đối với: dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả trên 35ha, 20ha hoa lan , sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS) cho 194 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 1.503ha trên các loại cây bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ,... và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở là các tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn quả.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Hoa kỳ , Australia, New Zealand và Trung Quốc; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 48 cơ sở sản xuất là những hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất với tổng diện tích là 1037,19ha; 62 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP gồm 39 cơ sở chăn nuôi heo, 22 cơ sở chăn nuôi gà, 1 cơ sở chăn nuôi bò.

Đặc biệt, Tây Ninh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua tỉnh đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm.

Tuy nhiên, với số lượng và quy mô nhỏ lẻ, nên chưa đủ điều kiện để hình thành quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có Trang trại bò sữa Vinamilk đã được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có quy mô lớn, chưa có chứng nhận nhưng thực tế đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững như các mô hình: trang trại gà đẻ của Công ty trách nhiệm hữu hạn QL Vietnam Agroresources (Malaysia); Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bel Gà Tây Ninh với công suất trên 19 triệu gà con/năm; Công ty Cổ phần đường Biên Hòa; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Thịnh.

Do đó, Tây Ninh đã xây dựng “Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh” nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ.

Tây Ninh đã định hướng các vùng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ.

Đồng thời, đưa ra các chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, mục tiêu của tỉnh là phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Đồng thời, tỉnh cũng có kế hoạch gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng.

Riêng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030; nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030./.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: www.vietnamplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây