Với 100% công dân đã được Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân và trên 86,3% được cấp thẻ CCCD gắn chip cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc, đây là nền tảng quan trọng để tạo dựng công cụ phát triển công dân số, xã hội số, Chính phủ số. Tài khoản định danh điện tử VNeID cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ vào các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực thiết yếu.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng đã và đang được Tổ Công tác cũng như các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả đó chính là đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực thiết yếu, có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân.
Ngành Ngân hàng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong sinh trắc học nâng cao tính năng bảo mật, phòng chống rủi ro, lừa đảo.
Cũng theo Thư ký của Tổ Công tác, có thể nói ngành Ngân hàng là ngành triển khai mạnh mẽ những ứng dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ cho hoạt động của mình. Hiện ngành Ngân hàng đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 43,9 triệu hồ sơ khách hàng, thu phí trên 67 tỷ đồng; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy, ứng dụng Mobile app tại 49 tổ chức tín dụng; đã cung cấp giải pháp triển khai ứng dụng VNelD để mở tài khoản tiết kiệm, xác thực giao dịch thanh toán và đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng tại 21 tổ chức tín dụng.
Những giá trị mang lại cho ngành Ngân hàng từ việc ứng dụng này là rất lớn, qua đó giúp ngành Ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ và cho vay tín chấp, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng. Cùng với đó đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân. Đối với người dân có nhu cầu vay vốn sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay “tín dụng đen”.
Trong hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 của Chính phủ, được Chính phủ tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá cao những kết quả từ việc ứng dụng mạnh mẽ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VNeID, CCCD đối với hoạt động của ngân hàng, phục vụ khách hàng. Đây là nền tảng quan trọng để “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành Ngân hàng” cũng như triển khai hiệu quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua CCCD gắn chip, tài khoản VNeID mà còn hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển, cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến, thanh toán chi trả an sinh xã hội, đánh giá điểm khả tín khách hàng vay… Những hoạt động trên mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng và đặc biệt là góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn trong bối cảnh gia tăng rủi ro như lừa đảo, gian lận, mạo danh…
Hiện, theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng dữ liệu về dân cư đã phục vụ xác thực, làm sạch hơn 110,2 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) trên tổng số 127 triệu thuê bao (đạt tỷ lệ 86,77%), thu về ngân sách Nhà nước hơn 164,4 tỷ đồng. Việc làm sạch dữ liệu đã góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, xử lý hơn 17 triệu thuê bao có kết quả chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đăng ký thực hiện các dịch vụ công. Việc này cũng góp phần loại bỏ dần tình trạng “sim rác”, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống từ việc chúng sử dụng các số điện thoại “ảo”, tài khoản mạng xã hội “ảo” để vi phạm pháp luật…
Đối với lĩnh vực y tế, bảo hiểm, đây được xem là một trong những lĩnh vực đặc thù, thiết yếu, có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng to lớn đến tất cả người dân. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với hơn 95,3 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT hoặc qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh đã tiên phong ứng dụng và mang lại những giá trị lớn cho người bệnh và cơ sở y tế trong công tác khám, chữa bệnh và quản lý. Cụ thể, đã rút ngắn thời gian tiếp đón bệnh nhân đến khám chữa bệnh xuống 12 lần, từ 3 - 5 phút/lượt xuống còn 15-30 giây/lượt, tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Bên cạnh đó, dữ liệu của bệnh nhân cũng được lưu trữ và tái sử dụng phục vụ cho công tác phân luồng, đón tiếp, khám, chữa bệnh…
Đối với lĩnh vực Giao thông vận tải, Bộ Công an đã cung cấp giải pháp xác thực thí sinh thông qua thẻ CCCD trong quá trình đăng ký, thi sát hạch lái xe, góp phần giảm thiểu tình trạng tráo người, thi hộ. Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam để triển khai xác thực sinh trắc học đối với hành khách đi tàu bay (đối với chuyến bay nội địa) chính thức trên toàn quốc. Việc cho phép sử dụng tài khoản VNeID thay cho CCCD vật lý góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong trường hợp quên hoặc thất lạc CCCD, giúp cho công tác làm thủ tục tại các cảng hàng không được nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và an toàn.
Bộ Công an đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đến nay, đã có 93.388 cơ sở lưu trú triển khai (tăng 65.465 cơ sở so với tháng 12/2023) với 8.778.722 lượt thông báo, qua đó giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Đặc biệt, ngày 1/7, Bộ Công an đã công bố triển khai dịch vụ xác thực điện tử, hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 11/02/2024, ký kết hợp đồng cung cấp xác thực điện tử với Ngân hàng Vietcombank, thực hiện xác thực thông tin trong thẻ Căn cước với 1,4 triệu lượt; xác thực khuôn mặt trên 69.000 lượt…
Tính đến ngày 3/7, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ Công an, xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước được Bộ Công an cấp; làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, tài khoản không chính chủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lừa đảo, được ngân hàng, người dân, dư luận đánh giá cao.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Công An Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc