Phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030

Thứ năm - 09/01/2025 11:59 17 0

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030.

Phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030- Ảnh 1.Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo - Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.

Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Đề án phấn đấu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030; phấn đấu có thêm 05 tỉnh/thành phố có cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục tích hợp với chương trình nước ngoài.

Phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Đề án phấn đấu trên 20% chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng top 500 thế giới trở lên; nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%; nâng tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hằng năm lên 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam.

Trên 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; phấn đấu thu hút để có thêm 02 phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo; 2- đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo; 3- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; 4- Nâng cao năng lực đội ngũ và nhận thức về hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế 

Theo Đề án, sẽ chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước có nền giáo dục tiên tiến, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới. 

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về chương trình và học liệu, phương pháp giảng dạy; nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế nhằm kiến tạo môi trường làm việc quốc tế trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường mô hình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam và nước ngoài.

Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và nước ngoài để công nhận quá trình học tập; tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên; thu hút giảng viên, nhà khoa học, sinh viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Việt Nam.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nâng cấp các tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ giảng viên công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Đồng thời, tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học mũi nhọn mà Việt Nam có nhu cầu; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài bằng các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài; khuyến khích mở văn phòng đại diện hoặc hình thành một số cơ sở giáo dục của Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, có uy tín của nước ngoài mở phân hiệu tại Việt Nam. 

Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đề án thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế.

Thực hiện tham chiếu khung trình độ quốc gia Việt Nam với các khung trình độ quốc gia các nước, các khu vực; đẩy mạnh việc ký kết công nhận văn bằng và quá trình đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao của nước ngoài ký kết công nhận tín chỉ và quá trình đào tạo.

Nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học

Đề án thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ.

Đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là rà soát và hoàn thiện tiêu chuẩn giáo viên và đào tạo giáo viên, chương trình, giáo trình đào tạo, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng để phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế...

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây