Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hay còn gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Trong đó quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam (Hiến pháp 1946) đã được Quốc hội thông qua. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.
Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Ngoài ý nghĩa trên, Ngày Pháp luật Việt Nam còn mang các thông điệp:
- Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
- Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật
- Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước
- Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
- Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý
KHẨU HIỆU CỦA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 09/11 NĂM 2023
- Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật.
- Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. - Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc