Giả mạo nhân viên giao hàng để lừa đảo

Thứ hai - 28/10/2024 16:26 99 0

Gần đây, không ít người dân bị các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (shipper) lừa đảo chuyển khoản để nhận hàng. Người dân cần hết sức cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tinh vi này.

Nhiều thủ đoạn

Chị Trần Thị Bích Phương (ngụ thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu) cho biết, ngày 17.10, chị đã bị một đối tượng lừa đảo giả shipper giao hàng và chiếm đoạt số tiền gần 100.000 đồng. “Trong lúc nghỉ trưa, người này gọi điện thoại nói rằng đơn hàng của tôi đã được chuyển đến cơ quan. Họ yêu cầu tôi chuyển khoản 97.000 đồng để thanh toán đơn hàng. Do trước đó, tôi có đặt đơn hàng giá trị tương đương trên Shopee nên không nghi ngờ mà chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu của đối tượng”- chị Phương kể.

Việc mua hàng trực tuyến tiện lợi nhưng dễ bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo 

Sau khi chuyển tiền thành công, chị tiếp tục nhận được tin nhắn từ shipper cho biết đã gửi nhầm số tài khoản và nói rằng số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên giao hàng tiết kiệm. Nếu chuyển vào tài khoản đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của chị Phương. Đồng thời, người tự nhận là shipper gửi kèm một đường link, giới thiệu là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để chị Phương liên hệ huỷ đăng ký hội viên và hoàn lại tiền.

“Khi thấy đối tượng gửi link để điền thông tin thì tôi đã biết đây là một hình thức lừa đảo và kịp dừng lại. Tôi không biết bằng cách nào họ có số điện thoại và địa chỉ của tôi. Tôi có điện thoại cho người này nhưng không liên lạc được. Mọi người cần hết sức cảnh giác, không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin của đơn hàng trước khi chuyển khoản” - chị Phương nói.

Tin nhắn của đối tượng mạo danh nhân viên giao hàng gửi cho chị Trần Thị Bích Phương

Tương tự, chị Lê Thị Yến Nhi (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) cũng từng bị các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo. Chị Nhi chia sẻ, có lần khi đang ở công ty, chị nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là shipper đến nhà giao đồ và có người trong gia đình đã thay chị nhận đồ, yêu cầu chị thanh toán đơn hàng.

“Tôi bận rộn công việc và đặt khá nhiều đơn hàng trên mạng. Tôi không kiểm tra kỹ lại thông tin đơn hàng mà chuyển khoản tiền hàng hơn 300.000 đồng cho đối tượng nói trên. Khi về nhà tôi mới biết mình đã mắc lừa đối tượng lừa đảo khi không có món hàng nào được chuyển tới” - chị Nhi kể.

May mắn hơn 2 trường hợp trên, chị Như Thảo (ngụ xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, khi đang đi làm, chị có nhận được cuộc gọi của một đối tượng giả mạo shipper thông báo chị có đơn hàng đang vận chuyển đến nhà. Rất hay đặt đồ trên Shopee, nên món hàng nào chị cũng thường xuyên vào kiểm tra thông tin trên ứng dụng xem đơn hàng đã được giao chưa, thời gian giao hàng.

“Tôi có hỏi người này về thông tin đơn hàng nhưng đối tượng trả lời lấp lửng về thông tin món đồ. Sau đó, đối tượng liên tục giục tôi chuyển khoản để nhận hàng. Khi tôi hẹn người này quay lại giao hàng vào buổi chiều để kiểm tra đơn hàng thì đối tượng lập tức tắt máy” - chị Thảo nói.

Cần hết sức cảnh giác

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “khoá SIM” vì chưa chuẩn hoá thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng…

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện hàng loạt các đối tượng giả danh shipper của các thương hiệu uy tín để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện thoại cho người dân tự xưng là shipper thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền COD (thanh toán khi nhận hàng). Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản; đồng thời, gửi cho người dân đường link trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để người dân liên hệ huỷ đăng ký hội viên. Khi người dân bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán nhận hàng trực tuyến; luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ hoặc chương trình khuyến mãi trực tiếp với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức. Cần bảo đảm rằng bản thân đang giao dịch với các đơn vị chính thức và uy tín; không chuyển tiền cho bất kỳ ai yêu cầu bạn thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ. Người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây