Quy định về nghĩa vụ quân sự, công dân có thể bị xử lý hình sự nếu trốn tránh trách nhiệm

Thứ sáu - 01/12/2023 20:56 578 0

Trốn nghĩa vụ quân sự là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Trường hợp công dân trong độ tuổi trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

Vì sao công dân cần thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nới cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Được phục vụ trong môi trường quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân. Môi trường quân ngũ với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể và tình đồng chí, đồng đội… là điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là tham gia, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và toàn dân tộc, trong đó hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" luôn đi đầu và được xem là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Vì vậy, mỗi thanh niên khi thực hiện nghĩa vụ quân sự lên đường nhập ngũ vừa là niềm vinh dự, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.

Mỗi thanh niên khi thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là niềm vinh dự, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước. Ảnh minh họa: TL

Nghĩa vụ quân sự trong thời gian bao lâu?

Tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ những không quá 06 tháng khi thuộc các trường hợp sau:

- Để đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Như vậy, những người đi nghĩa vụ quân sự sẽ phải đi từ 24 - 30 tháng và chỉ đi tối đa 30 tháng nếu thuộc trường hợp bị kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ nêu trên, trừ trường hợp có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự được tính từ ngày giao, nhận quân. Nếu không có buổi giao, nhận quân tập trung thì thời hạn đi nghĩa vụ quân sự được tính từ ngày đơn vị quân đội tiếp nhận cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xuất ngũ.

* Lưu ý: Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024 bị xử phạt thế nào?

Vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 9, Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt khi vi phạm quy định về nhập ngũ:

"Vi phạm quy định về nhập ngũ

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này".

Theo quy định trên, những đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự nếu không tham gia thì bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định trên.

Ngoài ra, các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm trên buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Truy cứu trách nhiệm hình sự về vi phạm quy định nghĩa vụ quân sự

Căn cứ theo hướng dẫn tại Mục 11 Chương I Công văn 5887/VKSTC-V14 năm 2019, Khoản 8, Điều 3 Luật Nghĩa vụ Quân sự 2015, quy định trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành:

- Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi nhập ngũ;

- Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, 03 hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý:

- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện; không quy định xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Không xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự được tính theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Ảnh minh họa: TL

Trường hợp nào người tham gia nghĩa vụ quân sự được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự?

Khoản 1, Điều 19 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự:

"1. Công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự trong trường hợp sau đây:

a) Chết;

b) Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;

c) Trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 13 hoặc Điều 14 của Luật này".

Theo quy định trên, người tham gia nghĩa vụ quân sự được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự trong trường hợp sau:

- Chết;

- Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

- Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

L.Vũ (th)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây