Tây Ninh sẽ là nơi đáng đến, đáng sống

Thứ năm - 02/05/2024 08:47 202 0

Tây Ninh sẽ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Ngày 5-5-2024, tỉnh Tây Ninh sẽ diễn ra "Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, hiểu và thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện. Đồng thời kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; kêu gọi thu hút các nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một sự kiện quan trọng, ý nghĩa, xác định tầm nhìn, không gian phát triển, động lực phát triển dài hạn.

Ngày 29-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1736/QĐ-TTg. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Du khách tham quan núi Bà Đen dịp Lễ 30-4 và 1-5

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Tây Ninh sẽ là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Quy hoạch xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: Phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển 20 vùng sản xuất về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng.

Tỉnh Tây Ninh cũng chú trọng phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo các trục: Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B, cao tốc TP HCM- Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng là TP HCM, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An.

Ngoài ra, tỉnh còn phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới và mở rộng 1 khu công nghiệp hiện hữu với diện tích khoảng 4.400 ha.

Đầu tư phát triển đồng bộ các dự án

Quy hoạch sẽ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đông Nam Bộ.

Thúc đẩy đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo những phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế.

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với TP HCM. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Phát triển 4 trung tâm logistics tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Xa Mát, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu.

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo "3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội".

Cụ thể, về "3 vùng phát triển" như sau, vùng 1 gồm: Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.

Vùng 2 gồm: Thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3 gồm: Huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

"4 trục động lực" gồm, trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh.

Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các Khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

"Vành đai an sinh xã hội" là gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng Bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Người lao động

 Tags: Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây