4 đối tượng được vay vốn địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Thứ hai - 03/06/2024 17:40 83 0

Cùng với nguồn cân đối từ Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngày 28.5, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

NHCSXH tỉnh Tây Ninh giải ngân vốn vay tại phường Ninh Sơn

Nghị quyết này quy định đối tượng vay vốn là hộ nghèo tỉnh và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH (ngoài các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác). Theo đó, 4 đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn địa phương uỷ thác qua NHCSXH, gồm:

Hộ nghèo tỉnh; hộ mới thoát nghèo tỉnh (thời gian sau khi thoát nghèo không quá 36 tháng) được vay vốn để sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập cho hộ.

Hộ gia đình có đăng ký thường trú tại khu vực đô thị chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và chưa bảo đảm vệ sinh môi trường được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao sức khoẻ, cải thiện điều kiện sinh hoạt.

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian sau khi hoàn thành nghĩa vụ không quá 36 tháng được vay vốn để giải quyết việc làm.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thoả thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

Riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc 20 xã biên giới được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ và chi trả.

Theo UBND tỉnh, nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện nghị quyết này trong năm 2024, 2025 là 85 tỷ đồng (trong đó, năm 2024 là 40 tỷ đồng, năm 2025 là 45 tỷ đồng), được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công và nguồn kinh phí sự nghiệp. Giai đoạn 2026-2030 sẽ cân đối bố trí kinh phí riêng trong giai đoạn này.

Được biết, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện chủ trương đa dạng hoá nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Cùng với nguồn cân đối từ Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hằng năm, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã uỷ thác nguồn vốn qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến 31.12.2023, nguồn vốn địa phương đã uỷ thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh là trên 394 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 313 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện, để thực hiện cho vay hộ nghèo, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường và cho vay hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (thuộc Liên đoàn Lao động và Hội Phụ nữ).

Tổng dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương tính đến ngày 31.12.2023 là trên 394 tỷ đồng, với hơn 13.600 khách hàng còn dư nợ, đạt 99,97% kế hoạch giao. Chất lượng tín dụng nguồn vốn uỷ thác địa phương được đánh giá là tốt so với mặt bằng chung, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 0,56% tổng dư nợ).

Nguồn vốn ngân sách địa phương trong những năm qua cùng với nguồn vốn Trung ương đã giúp cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn có vốn để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phương Thuý

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây