Để không còn “công trạng của lãnh đạo, trách nhiệm của tham mưu”

Thứ hai - 25/12/2023 11:00 67 0

Các địa phương đã quan tâm, chú trọng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc.

Thành viên tổ hỗ trợ thiết kế bản vẽ nhà ở cấp 4 trực tiếp hỗ trợ người dân tại bộ phận Một cửa UBND thành phố Tây Ninh. Ảnh: Phương Thuý

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Nội vụ, trong phần đánh giá về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo Bộ cho biết, năm 2023, Bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Gần 18.000 người bị kỷ luật

Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các bộ, cơ quan, địa phương yên tâm thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2023 (từ ngày 1.1 đến 15.12), tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật trong cả nước là 17.808 người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người (trong đó, Trung ương 983 người (110 công chức, 873 viên chức), địa phương 9.897 người (866 công chức, 9.031 viên chức)).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức tiếp tục được đổi mới theo hướng gắn với vị trí việc làm và chức danh công chức. Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023-2025.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá, rà soát, cập nhật, biên soạn lại hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2023 đã cử 562.452 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh và vị trí việc làm. Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại kết quả tích cực, trong năm, Bộ Nội vụ đã tổ chức được 4 đoàn đi bồi dưỡng tại Cộng hoà Pháp và Nhật Bản cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ của chính quyền địa phương.

Đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 42.115 công chức, viên chức (trong đó, Trung ương 1.293 người (488 công chức, 805 viên chức), địa phương 40.822 người (3.176 công chức, 37.646 viên chức)).

Các địa phương đã quan tâm, chú trọng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, tiêu biểu như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Yên Bái, Nghệ An, Gia Lai, Tây Ninh, Bến Tre.

“Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã có tiến bộ nhưng có nơi chưa nghiêm, còn có công chức bị kỷ luật”- Bộ Nội vụ nhìn nhận những hạn chế về công tác cán bộ, chất lượng cán bộ.

Đạo đức công vụ

Trong tham luận có tên gọi “Nâng cao đạo đức công vụ trong phục vụ, thực thi công vụ, góp phần nâng cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, lãnh đạo Sở Nội vụ nêu Tây Ninh hiện có 19.506 cán bộ, công chức, viên chức.

Qua đánh giá hằng năm, đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Kết quả nhận xét đánh giá cuối năm 2022: 32,87% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 64,08% hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2,56% hoàn thành nhiệm vụ và 0,49% không hoàn thành nhiệm vụ.

Đội ngũ CB,CC,VC tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần tích cực vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh. Từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, phường, xã, thị trấn đã xuất hiện nhiều phong trào, sáng kiến hay, việc làm tốt, có sức lan toả rộng khắp, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của CB,CC,VC về trách nhiệm thực thi công vụ, qua đó giúp củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Tây Ninh từng bước thực hiện tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính, đi kèm với giữ nghiêm kỷ luật hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Khung năng lực vị trí việc làm từng bước được xác định rõ, góp phần lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, giúp đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ sâu sát hơn, chính xác hơn.

Tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 100% đề án vị trí việc làm của 29/29 sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và 612/612 đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của 29/29 cơ quan hành chính và 489/612 đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sắp xếp và thực hiện cơ bản bảo đảm cơ cấu ngạch công chức hợp lý theo từng chức danh trong cơ quan, đơn vị.

Cải cách thủ tục hành chính

Quý III năm 2023, Tây Ninh tiếp nhận 132.499 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó có 111.961 (chiếm tỷ lệ 86,43%) hồ sơ trước hạn, đúng hạn; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 13.380 hồ sơ; có 4.198 hồ sơ quá hạn (chiếm tỷ lệ 3,24%)...

Số hồ sơ trễ hạn chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, còn lại ở một số cơ quan mặc dù đã giao trả hồ sơ cho người dân nhưng công chức không thực hiện thao tác kết thúc trên phần mềm, nên phần mềm báo giải quyết trễ hạn. Tỷ lệ thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và một phần đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.180 thủ tục hành chính, đạt 66,4%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 41,41%.

Công tác kiểm tra công vụ trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên và đi vào nề nếp, tăng cường hình thức kiểm tra đột xuất, không thông báo trước cho các cơ quan, đơn vị; nội dung kiểm tra gắn với việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ CB,CC,VC và giải quyết thủ tục hành chính của các cấp, các ngành trong tỉnh.

UBND tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ, trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện 385 cuộc kiểm tra công vụ.

Trong đó, đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh tổ chức kiểm tra 8 cuộc kiểm tra tại các cơ quan, địa phương; tổ kiểm tra công vụ thuộc tỉnh kiểm tra công vụ đột xuất 61 cuộc, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh thực hiện 316 cuộc kiểm tra công vụ. Sau kiểm tra, các cơ quan, đơn vị thực hiện khắc phục kịp thời các kiến nghị của đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Năm 2023, tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 47 CB,CC,VC.

“Hoàn thiện cơ chế xử lý kỷ luật theo hướng phân định trách nhiệm cụ thể của từng cấp theo đúng tinh thần phần việc của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm tương ứng (như thu thập dữ liệu, xử lý thông tin sai là nguyên nhân chính của vi phạm thì thuộc trách nhiệm của chuyên viên; trường hợp thông tin đúng nhưng sử dụng không hiệu quả, đề xuất, chỉ đạo sai thì thuộc trách nhiệm của quản lý, lãnh đạo). Tránh tình trạng “công trạng của lãnh đạo, trách nhiệm của tham mưu” như dư luận đã phản ánh nhiều năm” - kiến nghị của Sở Nội vụ gửi Bộ Nội vụ.

Việt Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây