Đồng chí Đào Duy Tùng với công cuộc đổi mới đất nước

Thứ năm - 16/05/2024 08:58 148 0

Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tạo lập cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Đào Duy Tùng đối với công cuộc đổi mới đất nước.

“ĐỔI MỚI TƯ DUY - MỘT YÊU CẦU CẤP THIẾT” CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Thực tiễn thế giới những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật... Đây là giai đoạn mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiền đồ của dân tộc. Đối với nước ta, đổi mới tư duy là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Đó là nhận thức đúng đắn của Đảng, nhưng trong khi xã hội đang có nhiều vấn đề “nước sôi lửa bỏng” cần ưu tiên giải quyết, tại sao lại coi đổi mới tư duy là “yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”? Đây là câu hỏi mà đồng chí Đào Duy Tùng đã đặt ra và cho rằng: “chúng ta đang có rất nhiều khó khăn, trong đó có cả những khó khăn nóng bỏng, gay gắt, kéo dài”(1). Khắc phục những hạn chế đó, Đảng đã tìm mọi cách để từng bước vượt qua những thách thức, nhưng “khó khăn đó vẫn không giảm, trái lại có mặt còn tăng thêm. Tình hình đó có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng về sự lạc hậu về lý luận, về tư duy”(2). Điều này đã được Đảng thẳng thắn thừa nhận tại Đại hội VI: “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”(3).

Bởi vậy, đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh: Tình hình mới đặt ra yêu cầu “phải có quan niệm mới, cách suy nghĩ mới, nhận thức mới, cách làm mới, nghĩa là phải có sự đổi mới trong tư duy mới có thể tìm được giải pháp đúng để khắc phục khó khăn, đưa cách mạng tiến lên”(4). Sau gần 40 năm đổi mới, nhìn lại thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, càng thấm thía hơn những hạn chế của công tác tư tưởng, lý luận, và nếu không đổi mới tư duy sẽ không thể nào có tư duy mới để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hình thành tư duy mới, xây dựng tư duy mới là vấn đề mà đồng chí Đào Duy Tùng dành rất nhiều tâm huyết.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng Biên tập Tạp chí Học tập chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Ban Biên tập Tạp chí Học tập - Hà Nội năm 1962. (Ảnh: Tư liệu)

Quan điểm của đồng chí Đào Duy Tùng đổi mới tư duy là vấn đề cấp bách, trong đó, trước tiên phải đổi mới tư duy kinh tế là hết sức đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng. Cùng với đổi mới tư duy kinh tế, phải đổi mới tư duy về nhiều mặt khác, nghĩa là phải có đổi mới tư duy trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước. Theo đó, định hướng đổi mới tư duy ở Việt Nam thể hiện trên một số điểm chủ yếu:

Một là, có những quan niệm trước đây đúng, nhưng trong điều kiện mới, quan niệm ấy không còn phù hợp nữa, nên phải thay đổi. Tinh thần và phương pháp cách mạng đó như lời nhắc nhở của V.I.Lênin: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ thuộc loại khác, thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua. Các đồng chí đừng tìm cách làm như vậy - không thể giải quyết được đâu”(5).

Hai là, có những quan niệm trước đây đúng, bây giờ vẫn đúng, nhưng vì ta nhận thức sai, làm sai thì bây giờ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, quay lại với cái đúng.

Ba là, có những quan niệm trước đây đúng, bây giờ vẫn đúng, nhưng vì thực tiễn không ngừng biến đổi và phát triển nên những quan niệm ấy không đáp ứng được yêu cầu mới thì phải phát triển và bổ sung bằng kiến thức mới cho kịp sự phát triển của tình hình.

Bốn là, có những vấn đề mới nảy sinh, do hoàn cảnh mới đề ra đòi hỏi phải có những nhận thức mới, thậm chí có khi trái ngược với những nhận thức cũ.

Tư duy lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng được hình thành trên cơ sở thực tiễn của cuộc sống, nên ngay từ đầu, đồng chí là người quyết liệt ủng hộ những nhân tố đổi mới từ khi mới manh nha như “khoán 100” và ủng hộ “khoán 10” cũng như quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật” trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội VI với cương vị là Tổ phó Tổ biên tập Báo cáo Chính trị trình Đại hội cũng như trên cương vị Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, trình Đại hội VII của Đảng.

Đổi mới tư duy theo quan điểm của đồng chí Đào Duy Tùng cũng chính là nhiệm vụ của những người cách mạng trong việc nghiên cứu, phát triển sáng tạo và làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần “không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(6).

Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng và phạm vi, nội dung của tư duy lý luận đối với tiến trình lịch sử cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh: “Đổi mới tư duy là một cuộc vận động lớn, liên quan đến mọi lĩnh vực của xã hội, đến mọi ngành, mọi cấp, mọi người và cần phải có thời gian”(7) để từng bước bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đồng chí Đào Duy Tùng thăm bà con nông dân tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Tư liệu)

CÙNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG HÌNH THÀNH VÀ TỪNG BƯỚC BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI

Sau khi đất nước thống nhất, đi lên xây dựng CNXH, nền kinh tế vận hành theo cơ chế quản lý hành chính, tập trung, bao cấp gặp phải vô vàn khó khăn. Tình hình đó đòi hỏi phải tìm tòi, khảo nghiệm về lý luận và thực tiễn để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.

Gắn bó với thực tiễn, từ những năm 80 thế kỷ XX, đồng chí Đào Duy Tùng là một trong những nhà lãnh đạo đi tiên phong, chuẩn bị cho công cuộc đổi mới toàn diện sau này. Bản thân đồng chí luôn tiềm tàng năng lượng đổi mới và năng lực tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn. Những tư tưởng đổi mới về sau của đồng chí trước hết được kế thừa từ những hoạt động nghiên cứu thực tiễn sinh động từ những năm tháng trước đó. Các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng; “khoán chui” trong nông nghiệp; hiện tượng “phá rào”, tháo gỡ cục bộ trong xí nghiệp... là những cơ sở để Đảng và Chính phủ thông qua chủ trương làm cho sản xuất “bung ra” của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá IV, sau đó là tinh thần, nội dung khoán của Chỉ thị số 100-CT/TW cùng Quyết định số 25-CP, Quyết định số 26-CP...

Cho đến trước năm 1986, tư tưởng đổi mới và quan niệm về mô hình mới dần dần được hình thành. Đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng: “Đây là sự phát triển tiệm tiến với sự xuất hiện từng mặt, từng bộ phận đến sự phát triển nhảy vọt của tư duy mới”(8). Đồng chí khẳng định: “Tư duy mới ra đời có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn. Chính thực tiễn với những khó khăn gay gắt của đất nước buộc Đảng ta phải suy nghĩ, phân tích tình hình, nguyên nhân, tìm tòi các giải pháp; chính thực tiễn đổi mới bộ phận ở các cơ sở, địa phương đã cung cấp những tư liệu cho hoạt động tư duy của Đảng trong việc đề ra những chính sách cụ thể, có tính chất đổi mới từng phần”(9).

Phương châm gắn lý luận với thực tiễn như một thể thống nhất tiếp tục được đồng chí Đào Duy Tùng thực hành trong công tác khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đồng chí đã cùng tập thể, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để lựa chọn những cái đúng, cái hay, góp sức vào việc kiến tạo, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới(10).

Trên cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng tập trung sức lực, trí tuệ cùng tập thể Trung ương Đảng tiếp tục đổi mới tư duy, tiến tới xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000 để trình Đại hội VII của Đảng.

Đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng, Đại hội VI vẫn chưa có đủ thời gian và điều kiện thực tiễn giải đáp được những câu hỏi đặt ra một cách cấp bách của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Đó là những vấn đề mang tầm chiến lược. Vì thế, việc xây dựng Cương lĩnh cho cả thời kỳ quá độ lên CNXH tuy có những khó khăn nhất định, chưa có đủ điều kiện để phác ra bức tranh toàn cảnh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, việc xây dựng Cương lĩnh là hoàn toàn có thể nếu chúng ta tập trung được tư duy, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và qua thực tiễn đổi mới sẽ bộc lộ ra những nhân tố và điều kiện chín muồi, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ từng bước được bổ sung và hoàn chỉnh.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. (Ảnh: Tư liệu)

Do đó, khi được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000 trình Đại hội VII của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần tích cực công sức và trí tuệ vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng đúc kết một số kinh nghiệm bước đầu, trong đó có kinh nghiệm “phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới... Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”.

Thực tiễn đất nước đã cho thấy, việc Đại hội VII của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã mở đường, đặt nền tảng lý luận cách mạng, sáng tạo cho Việt Nam bước vào thế kỷ XXI với tâm thế vững vàng, tin tưởng ở tương lai và tiền đồ của dân tộc.

Ngoài ra, từ thực tiễn của cuộc sống, đồng chí Đào Duy Tùng đi sâu nghiên cứu lý luận, viết nhiều và công bố những công trình giá trị như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”... Bên cạnh đó, một số quan điểm lý luận như: “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về chặng đường 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng, nhưng mang dấu ấn đậm nét của đồng chí Đào Duy Tùng về tổng kết lý luận. Những nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đồng chí thực sự góp phần trực tiếp kiến tạo đường lối đổi mới, góp phần từng bước làm sáng tỏ lý luận của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tạo tiền đề để Đảng tiếp tục tổng kết trong những chặng đường đổi mới về sau.

Đổi mới tư duy theo quan điểm của đồng chí Đào Duy Tùng cũng chính là nhiệm vụ của những người cách mạng trong việc nghiên cứu, phát triển sáng tạo và làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần “không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

 KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU, BẢO VỆ CÁC NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG

Một chính Đảng cách mạng không chỉ được dẫn dắt bởi một lý luận cách mạng tiên phong, mà đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên chiến lược, chủ chốt phải luôn kiên định mục tiêu và bảo vệ các nguyên tắc của Đảng. Thực tiễn công tác, dù ở cương vị nào, đồng chí Đào Duy Tùng cũng một lòng giữ vững niềm tin vào mục tiêu cuối cùng của cách mạng. Bản thân đồng chí cũng như các thế hệ tiền bối của Đảng đều là những con người suốt đời đấu tranh vì tự do độc lập của dân tộc và vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí cho rằng: “Muốn thay đổi căn bản cuộc sống của những người lao động, từ kiếp nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ không có con đường nào khác ngoài con đường đi lên CNXH”(11). Đó là con đường gập ghềnh, chông gai và lâu dài, đòi hỏi Đảng phải kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc của mình, dù hoàn cảnh có phức tạp hay vấp phải sự chống phá quyết liệt, nham hiểm của các thế lực thù địch, nhưng chắc chắn chúng sẽ bị thất bại và sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân Việt Nam sẽ tất thắng(12).

Từ cách đặt vấn đề về đổi mới tư duy lý luận trong công cuộc đổi mới của đất nước, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng trong con người đồng chí Đào Duy Tùng, trong đó nổi bật là trung thành chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng nghĩa với việc phải am hiểu, biết vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí nhiều lần yêu cầu những người làm công tác tư tưởng, lý luận phải biết phê phán thái độ giáo điều trong nghiên cứu. “Chúng ta không quan niệm chủ nghĩa Mác - Lênin “nhất thành bất biến” như một thứ cẩm nang có sẵn mọi điều cho tương lai, mà những người cộng sản cần tiếp tục bổ sung, phát triển, tăng thêm sức sống của nó bằng những kinh nghiệm - cách mạng được tổng kết, bằng những thành tựu tư duy của nền văn minh nhân loại”(13). Đồng chí khẳng định, việc Đại hội VII của Đảng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam là một thành tựu mới về tư duy lý luận của Đảng.

Suốt cuộc đời gắn bó với cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng trăn trở, suy tư về những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với công cuộc đổi mới nói chung, với công tác xây dựng Đảng nói riêng. Vì luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, nên đồng chí thường nằm trong tầm ngắm xuyên tạc, chống phá của những người, những thế lực không ưa thích CNXH. Bởi vì đồng chí là người luôn kiên trì bảo vệ những truyền thống tốt đẹp, những nguyên tắc bền vững của Đảng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng dự Lễ Kỷ niệm 25 năm Truyền hình Việt Nam (1970-1995). (Ảnh: Tư liệu)

Theo đồng chí Đào Duy Tùng, về mặt tổ chức, Đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản. Lịch sử phát triển của Đảng trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam cho thấy, giữ vững nguyên tắc này là giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Sau những biến động chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, không ít Đảng Cộng sản đã từ bỏ nguyên tắc này. Hậu quả là dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, gây ra tệ bè phái và chia rẽ trong Đảng, làm cho xã hội phân tâm, lòng dân ly tán, mất ổn định, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ, như đồng chí Đào Duy Tùng nhiều lần khẳng định, đó là một khái niệm thống nhất. “Chỉ có một nguyên tắc là nguyên tắc tập trung dân chủ, tức là sự tập trung trên cơ sở dân chủ. Nó đối lập với tập trung quan liêu, tập trung độc đoán. Tất nhiên, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng đối lập với dân chủ vô chính phủ”(14). Xa rời nguyên tắc này, Đảng sẽ mất quyền lãnh đạo, bị suy yếu nhanh chóng, thậm chí biến chất và tan rã. Cho nên, bảo vệ những nguyên tắc bền vững của Đảng cũng chính là bảo vệ mục tiêu cách mạng, kiên định con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Đó là con đường mà chúng ta - những người cách mạng chân chính không thể buông lỏng cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, cơ hội và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội được(15).

*          *          *

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời kiên định, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn, thử thách lớn của đất nước, đồng chí luôn thể hiện là con người của nhân dân, con người của cách mạng và đổi mới. Chính vì vậy, khi bước vào thời kỳ đổi mới và trong những năm tháng tiến hành đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng cùng Trung ương Đảng, tập thể các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, góp phần vào việc đổi mới tư duy và kiến tạo đường lối đổi mới, góp phần đặt nền tảng để Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối đổi mới trong những năm tiếp theo./.

“Tư duy mới ra đời có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn. Chính thực tiễn với những khó khăn gay gắt của đất nước buộc Đảng ta phải suy nghĩ, phân tích tình hình, nguyên nhân, tìm tòi các giải pháp; chính thực tiễn đổi mới bộ phận ở các cơ sở, địa phương đã cung cấp những tư liệu cho hoạt động tư duy của Đảng trong việc đề ra những chính sách cụ thể, có tính chất đổi mới từng phần”

 PGS. TS. NGUYỄN DANH TIÊN
TS. NGUYỄN CHÍ THẢO

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


(1) (2) (4) (7) Đào Duy Tùng: Bàn về đổi mới tư duy, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.12, 12, 12-13, 28.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.47, tr.708.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1978, t.44, tr. 393.

(6) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.232.

(8) (9) (11) (12) (13) (14) Đào Duy Tùng: Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, tr.86, 86, 158, 159, 220-221, 230.

(10) Trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng được phân công nhiệm vụ là Tổ phó Tổ biên tập Báo cáo chính trị.

(15) Tuyển tập Đào Duy Tùng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.I, tr.426.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây