UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) là tuyến quốc lộ duy nhất nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ quốc tế kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.
Qua khảo sát những năm gần đây cho thấy nhu cầu giao thương hai chiều từ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đang tăng rất nhanh, dẫn tới thường xuyên ùn ứ, làm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá và đi lại, gia tăng tai nạn giao thông do tuyến QL22 đã quá tải, nhiều điểm giao cắt cùng mức… Điều này làm kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho các địa phương có tuyến dự án đi qua nói riêng mà cho cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, khi tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành sẽ chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến QL22, tăng sức cạnh tranh do giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hoá, hành khách đi – đến Thành phố Hồ Chí Minh; giảm nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng sức hút về du lịch trong vùng, giảm ô nhiễm môi trường.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài hoàn thành sẽ liên kết giữa các đường Vành đai Thành phố Hồ Chí Minh (Vành đai 3 và Vành đai 4) với tỉnh Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát trong tương lai, phát huy lợi thế các tuyến cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng…
Dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng chiều dài cao tốc khoảng 51 km, trong đó đoạn qua địa phận TP. Hồ Chí Minh khoảng 24,7 km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 hình thành 4 làn xe cao tốc theo tiêu chuẩn, vận tốc thiết kế 120km/h, giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.
Trên tuyến cao tốc sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ (bố trí hai bên tuyến), dự kiến tại khu vực thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Chi phí xây dựng và chi phí vận hành khai thác trạm phục vụ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hoá.
Trạm thu phí sẽ bố trí trên tuyến cao tốc và các nhánh ra vào nút giao với công nghệ thu phí không dừng.
Tuyến cao tốc giai đoạn 1 sẽ xây dựng 5 nút giao trong đó có 4 nút giao khác mức liên thông (Vành đai 3, TL8, ĐT787B, QL22B) và 1 nút giao bằng tại vị trí cuối tuyến giao với QL22.
Tại các đoạn giao cắt dân sinh sẽ sử dụng cầu vượt ngang hoặc hầm chui dân sinh bố trí phù hợp với cấp đường hiện hữu và có xét đến nhu cầu mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch tương lai nhằm bảo đảm tĩnh không cho phương tiện giao thông.
Dự kiến sơ bộ khoảng 566 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thực hiện khoảng 409,3 ha.
Thông tin từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án hơn 19.000 tỷ đồng. Về nguồn vốn, vốn nhà nước trong dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư (Trung ương bố trí 2.872 tỷ đồng, phần vốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh 6.802 tỷ đồng). Phần vốn còn lại là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đạt 9.943 tỷ đồng, chiếm 50,69% tổng mức đầu tư dự án.
Về sơ bộ phương án tài chính có 14 năm 10 tháng để hoàn vốn. Thời gian hợp đồng dự án được dự kiến 16 năm 9 tháng. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2024-2029. Trong đó, chuẩn bị dự án trong năm 2024; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2024-2025; khởi công dự án vào tháng 6.2025; thi công xây dựng năm 2025-2027 và quyết toán dự án năm 2028-2029.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc