Thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi số

Thứ sáu - 19/07/2024 22:48 87 0

Tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay đã tới hạn, để phổ cập thì cần phải có cách tiếp cập mới.

Thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi số- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là một trong những nội dung được quan tâm và thảo luận tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì sáng 19/7.

Tạo sự chuyển dịch mang tính đột phá

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, về xếp hạng Chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia (sau 5 quốc gia là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia). Về xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 5/11 (sau 4 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện đứng thứ 3 khu vực. Hai năm liên tiếp 2022, 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đã đứng thứ 1 khu vực ASEAN.

Tại Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN1 và tiếp tục duy trì.

Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam là 0,71. So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%. Việt Nam cần phải nỗ lực đưa chỉ số này đạt 80% và liên tục duy trì trong khoảng một thập kỷ để tạo ra sự phát triển bứt phá, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số vào năm 2030.

Còn theo báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 10 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, tuy đã đạt được những thành công nhất định nhưng không thể phủ nhận tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Phân tích sâu hơn về nguyên nhân cho thấy bên cạnh những thách thức khách quan, vấn đề cốt lõi nằm ở chính quyết tâm của người đứng đầu các cấp bộ, ngành, địa phương. Sự quyết liệt, tiên phong, gương mẫu từ lãnh đạo chính là động lực then chốt, là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết: "Tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay đã tới hạn, để phổ cập thì cần phải có cách tiếp cập mới".

Cụ thể: Chuyển đổi từ cách tiếp cận "Công nghệ thông tin" sang cách tiếp cận "Chuyển đổi số". Từ phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng số dùng chung; từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây; từ đầu tư sang thuê; từ sản phẩm sang dịch vụ; từ tự động hóa sang thông minh hóa; từ dữ liệu tổ chức sang dữ liệu người dùng.

Chuyển đổi từ cách tiếp cận "Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu chung của các bộ ngành, địa phương" sang cách tiếp cận "Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với thời hạn cụ thể, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể".

"Sự chuyển dịch mang tính đột phá này sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy việc phổ cập rộng rãi những thành quả của chuyển đổi số, đưa công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, bứt phá và hiệu quả hơn", Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi số- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long báo cáo về các kết quả chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể các giải pháp, phân bổ chỉ tiêu chuyển đổi số cho từng địa phương

Để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành đã thảo luận vừa đưa ra những giải pháp rất cụ thể cho từng mục tiêu chuyển đổi số.

Về hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, mục tiêu đến hết tháng 12/2024, 5 Bộ và 39 địa phương đang ở mức C đạt mức A; các bộ, ngành, địa phương còn lại đạt mức B. Đến hết tháng 12/2025, 100% các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương đạt mức A.

Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành cần tập trung giải quyết tốt bài toán kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Đặc biệt là kết nối, liên thông với CSDLQG về dân cư và nền tảng VNeID trong các TTHC liên quan đến người dân; khẩn trương rà soát, cập nhật, nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; triển khai các Biểu mẫu điện tử tương tác (eForm) theo đúng quy định. Năm 2025 hoàn thành cung cấp eForm cho 100% các DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến.

Bộ TT&TT đôn đốc, thúc đẩy, tư vấn, hỗ trợ các bộ, ngành thực hiện mục tiêu, định kỳ đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ưu tiên nguồn lực, giải quyết dứt điểm việc thống nhất tiếp nhận, giải quyết TTHC về một đầu mối duy nhất của bộ, ngành; không để tình trạng phân mảnh hệ thống tại các Cục, Tổng Cục, đơn vị trực thuộc.

Về ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung: Mục tiêu 100% các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc hoạch định và ban hành danh mục. Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị 6 bộ ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL dùng chung phải ban hành sớm.

Về công bố các nền tảng, hệ thống thông tin triển khai toàn quốc: Mục tiêu đến cuối năm 2024, 100% các bộ, ngành tại trung ương phải công bố nền tảng, hệ thống thông tin triển khai toàn quốc. Bộ, ngành nào không công bố nền tảng, hệ thống thông tin triển khai toàn quốc cũng cần công bố rõ để địa phương biết và chủ động. Trường hợp không công bố mà địa phương triển khai chồng lấn thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Về khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, vừa qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã khai thác rất hiệu quả qua Đề án 06. Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị cơ quan chủ quản 9 cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại (đã ban hành tại Nghị định 47/2024/NĐ-CP bao gồm các Cơ sở dữ liệu quốc gia về: đất đai; đăng ký doanh nghiệp; tài chính; bảo hiểm; cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước; thủ tục hành chính; tổng hợp quốc gia; hoạt động xây dựng; xuất nhập cảnh), mỗi Cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai một đề án tương tự Đề án 06 để khai thác hiệu quả dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Về kinh tế số, mục tiêu năm 2024 có 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Để đạt được mục tiêu cần có thêm khoảng 20.000 doanh nghiệp công nghệ số. Căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, Bộ TT&TT đã dự kiến phân bổ số lượng các doanh nghiệp công nghệ số cần phát triển thêm từ nay đến 2025 cho mỗi địa phương cụ thể. Đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Bộ TT&TT và Bộ Công Thương cũng xây dựng và thống nhất sử dụng chung bộ tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành của TMĐT và hệ thống công cụ để đo lường để triển khai thí điểm tại các địa phương. Bộ TT&TT và Bộ Công Thương tổ chức đánh giá thử nghiệm tại TPHCM trong quý 3/2024, sau đó tổng kết nhân rộng ra 63 địa phương vào quý 4/2024.

Về xã hội số, mục tiêu đến 2025: tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt 50%. Căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, Bộ TT&TT đã dự kiến phân bổ tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử từ nay đến 2025 cho mỗi địa phương.

Thời gian tới, để đẩy mạnh nội dung này, các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện các chính sách thúc đẩy, tăng cường sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực: DVC trực tuyến, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử.

Chỉ đạo thúc đẩy dịch vụ công toàn trình tiến đến 100% dịch vụ công tại địa phương đều sử dụng chữ ký số để giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân.

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn yêu cầu người dân phải dùng bản cứng giấy tờ mặc dù người dân đã được cấp chứng thư chữ ký số nhưng không có điều kiện sử dụng. Vì vậy, các tỉnh cử đầu mối tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT (Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia) để đảm bảo việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của địa phương được thông suốt, không tồn tại rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các thủ tục hành chính.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây