Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội

Thứ hai - 04/12/2023 10:00 103 0

Chính sách an sinh xã hội phải ngày càng phát triển, mở rộng để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn từ sự phát triển của đất nước.

ĐBQH. Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam luôn lấy con người là động lực, trung tâm, mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.

Trên thế giới, quyền được hưởng an sinh xã hội (ASXH) là một trong những quyền con người cơ bản, được xếp vào nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Quyền này được ghi nhận trong Điều 22 (đồng thời được nhắc đến trong Điều 25) của Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948.

Xuyên suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định mô hình phát triển của Việt Nam, lấy con người là động lực, trung tâm và mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời, luôn khẳng định, vị trí, vai trò quan trọng của nhân tố con người với tư cách là yếu tố quyết định sự phát triển.

Việt Nam luôn lấy con người là động lực, trung tâm, mục tiêu của chính sách an sinh xã hội. Ở nước ta, quyền được hưởng ASXH lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 với tư cách là một quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, Điều 34 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH”. Như vậy, mọi công dân Việt Nam đều có quyền được hưởng ASXH, không phân biệt giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, thành phần xã hội.

Hệ thống an sinh xã hội còn khó khăn

Có thể nói, nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất, phải được bảo vệ. Đồng thời, mục tiêu cao nhất của mọi chính sách phát triển về kinh tế - xã hội cũng vì con người, hướng tới bảo đảm an sinh và cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Do đó, chính sách ASXH phải ngày càng phát triển, mở rộng để làm cơ sở tốt hơn cho việc người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn từ sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hệ thống ASXH ở nước ta vẫn còn một số bất cập. Độ bao phủ của ASXH còn thấp do nguồn lực đầu tư cho ASXH còn hạn chế. Do đó, phải tập trung ưu tiên trước hết cho nhóm người nghèo, đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Các chính sách ASXH đang dần được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân. Đặc biệt, quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được đảm bảo tốt hơn. Nhưng do nguồn lực hạn chế, chính sách ASXH vẫn chưa bảo đảm cho mọi người dân có mức sống tối thiểu theo chuẩn quốc gia.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036 và dân số rất già vào năm 2056. Hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh gây sức ép lên hệ thống ASXH.

Trong thời gian tới, nước ta vẫn phải đối mặt với những thách thức trong chính sách ASXH. Đầu tiên đó là thách thức về già hóa dân số. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số kể từ năm 2017 khi tỷ lệ người cao tuổi đã chiếm 10% dân số cả nước. Đồng thời, thách thức về “bẫy thu nhập trung bình” làm giảm nguồn lực cho ASXH.

Việc Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình là một cơ hội, điều kiện quan trọng đối với phát triển hệ thống ASXH giai đoạn 2021-2030. Cần phải tập trung nguồn lực và có giải pháp đột phá để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP bình quân đầu người. Từ đó mới có tiền đề để thực hiện một chính sách ASXH tiếp cận dựa trên quyền theo hướng bao phủ toàn dân được Hiến pháp quy định.

Ngoài ra, Việt Nam được dự báo là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đối với cả nước. Biến đổi khí hậu là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là bảo đảm ASXH.

Người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội. (Nguồn: Quochoi)

Cần phát huy lợi thế dân số vàng

Trước những thách thức như vậy, theo tôi, cần phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng cũng như có các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp nhằm bảo vệ, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng tăng của người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm. Về lao động có việc làm, tính chung 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 321,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 454,3 nghìn người.

BHXH Việt Nam cho biết, năm 2022, số người tham gia BHXH của cả nước là 17,5 triệu người, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 3,18% lực lượng lao động với hơn 1,4 triệu người tham gia, vượt 0,68% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đến tháng 9/2023, số người tham gia BHXH ước tăng 8 nghìn người so với năm 2022.

Đáng chú ý, theo BHXH Việt Nam, tỷ lệ dân số tham gia BHYT phát triển bền vững hàng năm, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 ước 93,22% (vượt 0,02%).

Vì vậy, với nguồn lực và thời gian có hạn, cần xác định cụ thể hơn đối tượng và nội dung chính sách an sinh xã hội để bảo đảm hiệu quả, tập trung vào nhóm đối tượng có nhu cầu cấp bách nhất, bị tác động nhiều nhất, đang thiệt thòi nhất, yếu thế nhất trong xã hội.

TS. Phạm Trọng Nghĩa

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: BÁO THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây