Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Tây Ninh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ thực hiện có hiệu quả các nội dung ủy thác, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay một số bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là người dân các xã thuộc vùng khó khăn.
Do đó, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất, cải thiện đời sống, trên cơ sở quy định Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là cần thiết.
Chủ toạ Kỳ họp HĐND tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết
Chiều ngày 28/5/2024, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, với 45/51 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 88,2% tổng số đại biểu HĐND tỉnh), HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Về phạm vi điều chỉnh Nghị quyết quy định các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (ngoài các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác).
Về đối tượng áp dụng của Nghị quyết, gồm: Thứ nhất là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, điều kiện sinh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội; Thứ hai là các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Cụ thể: Cơ quan Tài chính, Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh; Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn; Các cơ quan khác có liên quan).
Nghị quyết quy định các đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, gồm:
Một là: Hộ nghèo tỉnh; hộ mới thoát nghèo tỉnh (thời gian sau khi thoát nghèo không quá 36 tháng) được vay vốn để sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập cho hộ.
Hai là: Hộ gia đình có đăng ký thường trú tại khu vực đô thị chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Ba là: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian sau khi hoàn thành nghĩa vụ không quá 36 tháng được vay vốn để giải quyết việc làm.
Bốn là: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động. Riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc 20 xã biên giới được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ và chi trả các khoản chi phí được ghi trong hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hy vọng, với việc triển khai thực hiện chính sách này sẽ cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, tạo điều kiện hộ nghèo tỉnh và các đối tượng chính sách khác địa phương được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc