Đến hết giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh ước thực hiện trồng 1.600 ha rừng trồng tập trung và 4.000.000 cây phân tán, vượt 90 ha rừng trồng tập trung và khoảng 1.800.000 cây phân tán.
Theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1.4.2021, kế hoạch thực hiện năm 2021 trồng khoảng 182 triệu cây, trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020; từ năm 2022-2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Đoàn viên thanh niên huyện Gò Dầu tích cực hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn năm 2024.
Thực hiện đề án này, giai đoạn 2021-2025, khối lượng cây xanh phải trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 2.663.000 cây các loại, trong đó, trồng cây phân tán với trên 1.181.000 cây giống các loại (tương đương 1.311 ha); trồng rừng tập trung khoảng 1.482.000 cây (tương đương 1.510 ha).
Để triển khai thực hiện tốt các nội dung đề án, tỉnh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái... UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025, đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hằng năm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và lực lượng vũ trang tổ chức phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng. Qua đó, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội; đưa nhiệm vụ trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân.
Theo Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, thời gian qua, đơn vị tập trung công tác xử lý bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp để tạo mặt bằng trồng rừng; đồng thời triển khai trồng cây xanh phân tán và trồng rừng tập trung trên địa bàn quản lý.
Thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10.7.2017 của UBND tỉnh về kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, từ năm 2021 đến nay, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp chính quyền địa phương lập hồ sơ, xử lý các trường hợp vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thực hiện trồng rừng. Tính đến tháng 9.2023, tổng diện tích đã xử lý chuẩn bị quỹ đất trồng rừng khoảng 1.734 ha/1.903 ha, đạt 91% khối lượng thực hiện.
Trồng rừng ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Đối với trồng cây xanh phân tán, đơn vị vận động người dân trồng các loại cây như giáng hương, trắc, keo tại những khu vực có diện tích nhỏ lẻ, vườn tạp, diện tích bờ ranh các lô đất, hành lang đường giao thông lâm nghiệp... Tổng số cây phân tán đã trồng trên địa bàn quản lý giai đoạn 2021-2023 khoảng 25.000 cây.
Ngoài ra, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 3922/QĐ-UBND ngày 31.12.2021 của UBND tỉnh), trên cơ sở quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã thực hiện thiết kế trồng rừng tập trung với 945 ha/800 ha, đạt 118,1% kế hoạch. Loại cây trồng là cây bản địa như sao, dầu, giáng hương xen cây phụ trợ mọc nhanh. Tổng số cây bản địa đã trồng khoảng 406.400 cây.
Bí thư Huyện đoàn Gò Dầu cùng đại diện Công ty Sài Gòn Tourist Group trồng cây tại công viên huyện Gò Dầu hưởng ứng Tết trồng cây.
Theo UBND tỉnh, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2023, số cây phân tán được trồng theo kế hoạch là 814.000 cây. Đến nay, tổng số cây phân tán được trồng trên địa bàn tỉnh ước khoảng 2.530.000 cây, đạt 312% so kế hoạch giai đoạn 2021-2023 và đạt 214% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Kết quả trồng và phát triển rừng đã mang lại những hiệu quả nhất định, bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân về trồng, phát triển rừng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện đề án như: mức hỗ trợ cho người dân trồng rừng còn thấp; việc tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đóng góp của ngành Lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp, giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp.
UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, bố trí các nguồn lực về tài chính, hỗ trợ kêu gọi các chương trình, dự án về bảo tồn, phát triển rừng cho Tây Ninh để nâng cao giá trị, phát triển tiềm năng của rừng nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kế hoạch, năm 2024 và năm 2025, tỉnh dự kiến trồng 480 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất, trồng 366.000 cây phân tán và vận động nhân dân trồng bằng nguồn vốn của dân khoảng 1.200.000 cây. Đến hết giai đoạn 2021-2025, tỉnh ước thực hiện trồng 1.600 ha rừng trồng tập trung và 4.000.000 cây phân tán, vượt 90 ha rừng trồng tập trung và khoảng 1.800.000 cây phân tán.
Giang Hà
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc