Thủ tướng: Phải có cảm xúc trước vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để làm việc với trách nhiệm cao nhất

Thứ hai - 20/11/2023 13:28 133 0

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp; "phải có cảm xúc trước vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để làm việc với trách nhiệm cao nhất".

Chiều 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của 10 tháng năm 2023 (đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm), thảo luận phương hướng, nhiệm vụ CCHC những tháng cuối năm và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ CCHC.

Phải có cảm xúc với những gì người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho rằng nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu còn hạn chế về tầm quan trọng, tác động lan tỏa và hiệu quả của CCHC.

"Phải có cảm xúc với tình hình, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc, để làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Cải cách TTHC còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC còn chậm (5 bộ đạt 50%, 1 bộ chưa thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư); cung cấp DVC trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi…

Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức ở một số nơi còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt"… Cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công chưa có nhiều đột phá.

Xây dựng Chính phủ điện tử ở nhiều bộ, ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nhiệm vụ triển khai Đề án 06 còn chậm, nhất là các điểm nghẽn về hạ tầng, dịch vụ công, dữ liệu và thể chế chậm được khắc phục.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, mà nguyên nhân lớn nhất là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu, vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt; chưa phát huy được vai trò người đứng đầu; hoạt động cải cách có nơi còn mang "tính hình thức", chưa thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo; việc dự báo, nắm bắt tình hình chưa sát, phản ứng chính sách ở một số bộ, địa phương chưa kịp thời. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương chưa cao; tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả…

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Thời gian tới, về các nhiệm vụ, giải pháp chung, Thủ tướng nêu rõ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cả 6 nội dung CCHC, trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá.

Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ CCHC năm 2023. Tuyệt đối không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch, huy động nguồn lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật...

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai các nhiệm vụ cần thiết để thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2024.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản QPPL để tiếp tục cải cách các quy định về nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Thực hiện các biện pháp để triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Sau Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cung cấp DVC trực tuyến, để góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, KTXH năm 2023.

Đăng Nguyên

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử Tổ Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây