Huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay góp sức, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị.
Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại chợ thành phố Tây Ninh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng, đỗ phương tiện, xây dựng, cơi nới mặt bằng kinh doanh chiếm hết vỉa hè, đặt các biển hiệu, biển quảng cáo, tổ chức đám tiệc còn diễn ra nhiều nơi.
Nỗ lực chỉnh trang đô thị
Hành lang an toàn đường bộ (nhất là lòng đường, vỉa hè); đường, hè đường (hay vỉa hè, hè phố) ngoài chức năng về giao thông còn được sử dụng tạm thời trong một số trường hợp như: điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình… phải bảo đảm không gây mất trật tự và an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định ở các tuyến đường đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn.
Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại ngã tư Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng) vẫn còn diễn ra.
Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện gồm các đơn vị: Đội Thanh tra giao thông vận tải; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát giao thông; Trật tự đô thị; UBND các xã, phường, thị trấn… trong đó, các lực lượng địa phương là nòng cốt. Tập trung một số nhiệm vụ chính như: cắt tỉa các cây che khuất tầm nhìn; tổ chức các đợt cao điểm ra quân, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, lấn chiếm, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức tháo dỡ mái che, biển quảng cáo sai quy định ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị; tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên từng địa bàn, tháo dỡ và tạm giữ vật dụng vi phạm, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm hành chính… từ đó tạo sự chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả khả quan, việc lấn chiếm, tái lấn chiếm được chấn chỉnh, ý thức tự giác chấp hành của người dân dần được nâng lên, đã giải toả thông thoáng một số khu vực trọng điểm.
Người dân tập kết hàng hoá ra giữa lối đi gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.
Đối với việc dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang có sử dụng một phần vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, UBND tỉnh đã có Công văn số 1264/UBND-KT ngày 27.4.2023 chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện.
Trong đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đồng thời hướng dẫn để người dân thực hiện đúng các quy định nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, tập trung các nội dung: Không được sử dụng lòng đường, mặt đường để tổ chức đám tang, cưới, hỏi, sinh nhật; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng các nhà văn hoá xã, phường, thị trấn để tổ chức tiệc cưới, hỏi, sinh nhật... Hướng dẫn người dân trang bị các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông như: đèn chiếu sáng, biển cảnh báo, phân luồng... khi tổ chức trên hè phố; cử lực lượng địa phương hỗ trợ điều tiết giao thông …
Còn nhiều khó khăn
Trong thời gian qua, ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của người dân còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm hành lang an toàn đường bộ, cố tình vi phạm việc lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, thậm chí, một số người dân suy nghĩ “biến của chung thành của riêng”.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan chức năng có liên quan chưa thật sự đồng bộ; một số cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong xử lý vi phạm, chủ trì xử lý vi phạm chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ được giao nên công tác xử lý vi phạm về trật tự xây dựng chưa hiệu quả. Chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn và các lực lượng chức năng chưa thực sự kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang, hoặc xử lý chưa triệt để, xử lý chưa đến nơi đến chốn tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Công chức được bố trí thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng tại các ngành có liên quan và các địa phương (UBND cấp huyện, UBND cấp xã) cũng rất hạn chế, làm công tác kiêm nhiệm và phần lớn các đơn vị đang thiếu hụt nhân sự. Do đó, công tác quản lý về trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả cao.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau: Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; tuyên truyền hậu quả của việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán- nhất là tại các đô thị, thị trấn, các trục đường chính và khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch...
Việc tuyên truyền phải thực chất, đi sâu vào hiệu quả, tránh hình thức, huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay góp sức, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị. Tiếp tục duy trì tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm hành lang, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Đề xuất hướng xử lý đối với trường hợp xây dựng công trình, đường giao thông, nhà ở chưa phù hợp quy định pháp luật như: xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc sai giấy phép xây dựng nhưng chưa có biện pháp xử lý; xây dựng trên đất không phù hợp với mục đích sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt; thay đổi hiện trạng sử dụng đất, hình thành nhà ở, đường giao thông không phù hợp quy hoạch.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị bảo đảm tuân thủ quy hoạch chung, quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra sau cấp phép đối với công trình xây dựng; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng- nhất là việc xây dựng tuân thủ quy hoạch đô thị được duyệt; quan tâm, chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn bằng các lực lượng hiện có, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ, nhiệm vụ quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.
Các ngành, địa phương có kế hoạch đầu tư chỉnh trang các tuyến đường đô thị, xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, ngầm hoá các trục chính đô thị... góp phần chỉnh trang đô thị, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, tạo diện mạo khang trang, trật tự trên các tuyến phố, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tham mưu lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, trật tự đô thị. Chỉ đạo các đảng uỷ phường, xã lãnh đạo, chỉ đạo UBND phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, giải toả lòng đường, vỉa hè.
Nhi Trần
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc