Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ phòng, chống lãng phí phải có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trước đó, ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 191-QÐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QÐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QÐ/TW về kiện toàn Ban Chỉ đạo (bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí, với trọng tâm là quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công).
Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí đối với Ban Chỉ đạo, thể hiện quan điểm nhất quán của Ðảng về phòng, chống lãng phí, nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tế trong giai đoạn cách mạng mới. Bởi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quy định trong Hiến pháp, trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương từ nhiệm kỳ Ðại hội X, và trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013.
Tuy nhiên, thực tế từ công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản công; đến thói quen, hành vi tiêu dùng trong xã hội, cho thấy, tình trạng lãng phí vẫn là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại khó có thể đo lường. Và rõ ràng, chủ trương, giải pháp về phòng, chống lãng phí tuy đã triển khai trong thời gian dài nhưng chưa thật sự hiệu quả. Hệ lụy của tình trạng này là rất nghiêm trọng đối với tiến trình phát triển. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Ðảng, Nhà nước, tạo rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định.
Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện sự đồng tình cao với quan điểm của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời kỳ vọng những chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống lãng phí. Những tín hiệu tích cực được khởi động từ việc Trung ương thống nhất nhận thức, xác định đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Ðảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, đến hành động quyết liệt, giao việc rõ người, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm; với yêu cầu thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu Ban Bí thư sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng bổ sung chức năng về phòng, chống lãng phí.
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, theo Thường trực Ban Chỉ đạo là sớm ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống lãng phí, trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.
Các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất; sửa đổi bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp thực tiễn phát triển đất nước; rà soát, xử lý dứt điểm bất cập, hạn chế kéo dài đối với các dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cần nghiên cứu triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Về tổng thể, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao tiến tới xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; trở thành nội quy của từng cơ quan, đơn vị; hương ước của từng thôn xóm; quy định trong các văn bản của Ðảng, Nhà nước; xử lý các vi phạm từ hành chính, đến mức cao nhất là hình sự.
Ðể tiết kiệm, chống lãng phí, thì dù là ai, ở lứa tuổi nào, có trình độ, năng lực ra sao, bất kể thời gian, lĩnh vực nào, chỉ cần ý thức tự giác, đều có thể thực hành được ngay từ lúc này. Tạo dựng ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ mỗi cá nhân, từ việc giản dị nhất như “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”; lan tỏa từ gia đình đến cộng đồng và toàn xã hội là việc ai cũng có thể làm khi nhận thức đúng, đủ và hành động tức thì.
Trong bài viết “Chống lãng phí” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 14/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm lan tỏa mạnh mẽ thông điệp, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ðây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta.
Ðể nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Nhân Dân điện tử
Ý kiến bạn đọc