Chủ động giám sát và phòng chống bệnh Mác-bớc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Chủ nhật - 03/11/2024 23:44 57 0

Bệnh Mác-bớc (Marburg) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Mác-bớc (Marburg) gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus), bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút Mác-bớc.

Thời gian ủ bệnh từ 02 - 21 ngày; khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%), bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024 Ru-an-đa (Rwanda) đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc (Marburg) tại nước này. Đến 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 07 trong số 30 quận của nước này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế. Bệnh Mác-bớc là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Đến nay, bệnh chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta. Một số quốc gia như: Hòa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Mác-bớc xâm nhập. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm trên người là rất lớn đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp các quốc gia đang có dịch.

Theo đó, ngày 30/10/2024, UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch chủ động giám sát và phòng chống bệnh Mác-bớc trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Khống chế không để dịch lớn xảy ra. Góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể gồm: tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương; chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch; phối hợp, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm trong thu thập, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, đảm bảo chính xác và hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch tập trung thực hiện các nội dung gồm:

Các biện pháp xử lý khi có ca bệnh - ổ dịch

Đối với người bệnh (Áp dụng với trường hợp bệnh xác định hoặc trường bệnh nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm)

- Điều tra mở rộng các địa điểm dịch tễ có liên quan đến trường hợp bệnh (nơi ở, nơi làm việc...) theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tể.

- Thực hiện các biện pháp dự phòng để hạn chế lây truyền bệnh.

- Nếu có người bệnh tử vong, cần xử lý tử thi theo Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng.

Đối với người tiếp xúc gần

- Điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần. Sau đó, cán bộ y tế lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng.

- Khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết,... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.

- Người chăm sóc người bệnh phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm, trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh phải rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác.

- Người tiếp xúc gần phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối (nên đo nhiệt độ 02 lần/ngày). Những người tiếp xúc gần trong thời gian theo dõi, kể cả không có triệu chứng, không được hiến máu, tế bào, mô, cơ quan, sữa mẹ hoặc tinh dịch,… hạn chế tiếp xúc người khác, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch.

- Nhân viên y tế tư vấn cho người tiếp xúc gần về các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh cho mình và cho người khác. Hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh Mác - bớc. Nếu có xuất hiện các triệu chứng cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.

Khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch

- Khu vực nhà ở, nơi làm việc/học tập của người bệnh phải được khử khuẩn bằng cách lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính. Lưu ý: cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Chỉ sử dụng lại sau khi khử khuẩn ít nhất là 30 phút. Làm sạch nền nhà, bề mặt bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.

- Thực hiện thông khí, thông thoáng nhà ở, sử dụng quạt, hạn chế dùng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của người bệnh đã sử dụng cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch.

- Đồ dùng đựng thức ăn, nước uống của người bệnh (bát, đũa, thìa, cốc, chén...) phải được rửa sạch, đun sôi trong 10-15 phút, để khô trước khi sử dụng lại.

- Các phương tiện chuyên chở người bệnh phải được sát khuẩn, tẩy uế bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính.

- Việc khử khuẩn các khu vực có liên quan dịch tễ khác bằng biện pháp lau bề mặt có chứa 0,05 - 0,1% Clo hoạt tính sẽ do cán bộ dịch tễ quyết định dựa trên cơ sở điều tra thực tế.

Phân loại cấp độ dịch bệnh

Cấp độ 1: Khi chưa có ca bệnh xác định

Giám sát phát hiện sớm trường hợp bệnh đi vào địa bàn tỉnh từ vùng có dịch.

Cấp độ 2: Có ca bệnh xác định xâm nhập vào địa bàn tỉnh Tây Ninh từ 01 đến dưới 05 trường hợp mắc rải rác

Khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng, hạn chế số mắc và tử vong.

Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan dưới 10 trường hợp (< 10) mắc trên địa bàn tỉnh; xuất hiện chùm ca bệnh

Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Cấp độ 4: Trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trên 10 ca bệnh (> 10) hoặc nhiều chùm ca bệnh; xuất hiện trên 02 chùm ca bệnh (> 02)

Huy động mọi nguồn lực trong tỉnh, đề xuất hỗ trợ từ Trung ương thực hiện khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do dịch bệnh.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây