Kiểm soát các chất gây nghiện, chất hướng thần mới

Thứ năm - 06/06/2024 21:31 241 0

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện một số chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác dụng như các chất ma túy, bị lạm dụng vào mục đích bất hợp pháp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được quy định trong danh mục kiểm soát dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý để xử lý.

Kiểm soát các chất gây nghiện, chất hướng thần mới

Ngày 4/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lào Cai đã đưa ra cảnh báo về chất MDMB-4en-PINACA là một loại ma túy mới. Khi sử dụng, các đối tượng hòa tan vào dung dịch hoặc tẩm vào thuốc lá, thuốc lào, cỏ khô… để đưa vào cơ thể; thường xuất hiện tại các nhà hàng, quán bar, quán karaoke, tiệc sinh nhật… 

Khi đi vào cơ thể sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ảo giác khiến người dùng bị mất kiểm soát, có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Tại Bình Thuận, Công an tình Bình Thuận cũng vừa phát đi cảnh báo về các chất ma túy “thế hệ mới”, dễ sử dụng, độc tính mạnh, được tẩm ướp trong sợi thuốc lá, ngụy trang trong thuốc lá điếu.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình thông tin trên không gian mạng, cơ quan chức năng Bình Thuận đã kịp thời ngăn chặn một vụ lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh qua đường bưu điện để mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 90 gr mẫu sợi thuốc lá nghi chứa chất ma túy. 

Kết quả giám định trong mẫu sợi thuốc lá thu giữ được có chứa 5F-MDMB-PINACA, đây là chất ma túy thế hệ mới, thuộc nhóm ma túy cần sa tổng hợp, gây ảo giác, hoang tưởng giống như cần sa thực vật nhưng độc tính gấp hàng trăm lần so với cần sa thực vật.

Trước đây 5F-MDMB-PINACA được một số đơn vị chức năng phát hiện có trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử, từng gây ngộ độc nghiêm trọng cho nhiều trường hợp sử dụng.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, đây là một dạng tồn tại mới, phương thức lưu hành mới của chất ma túy. Các đối tượng sản xuất đã tẩm ướp các chất ma túy “thế hệ mới” vào các mẫu thảo mộc, sợi thuốc lá, sấy khô, đóng gói và bán, giao hàng thông qua bưu điện, chuyển phát nhanh, shipper... do đó rất khó bị phát hiện. Người sử dụng chỉ cần quấn thành điếu thuốc lá để hút hoặc trộn với shisa để hút trong các quán bar, beer club, quán karaoke... 

Việc sử dụng ma túy “thế hệ mới” này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, gây nhiễm độc, tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra những biểu hiện nguy hiểm như hôn mê, co giật, kích thích, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi...

Để thực hiện kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy “thế hệ mới”, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy sẽ chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các chất ma túy mới, kịp thời tham mưu kiến nghị, đề xuất bổ sung các chất ma túy mới phát hiện vào danh mục chất ma túy để kiểm soát...

Liên quan đến việc bổ sung các chất ma túy mới vào danh mục kiểm soát, Bộ Công an cho biết, hiện nay, Bộ đang trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm 15 chất ma tuý mới vào danh mục trên.

Theo Bộ Công an, trước tình hình phức tạp và gia tăng sự lạm dụng các chất ma túy tổng hợp mới xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, tại các phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy - Liên Hợp Quốc, các nước thành viên đã thống nhất đưa một số chất ma túy tổng hợp và tiền chất mới vào Danh mục kiểm soát thuộc 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma tuý của Liên Hợp Quốc.

Với trách nhiệm là quốc gia thành viên tham gia 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất này.

Tại Việt Nam, tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện một số chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác dụng như các chất ma túy và bị lạm dụng vào mục đích bất hợp pháp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được quy định trong danh mục kiểm soát dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý để xử lý.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định nhằm bổ sung các chất gây nghiện, các chất hướng thần mới vào Danh mục kiểm soát của Nghị định số 57/2022/NĐ-CP.

Việc xây dựng Nghị định sửa đôi, bổ sung Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất nhằm kịp thời bố sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần mới đã được kiểm soát quốc tế theo 3 Công ước của Liên Hợp Quốc và những chất gây nghiện, chất hướng thần có tác dụng tương tự chất ma túy đang bị lạm dụng tại Việt Nam đã được cơ quan chức năng thu giữ, giám định. 

Các danh mục được cập nhật để bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Công an, 15 chất ma túy mới được bổ sung tại dự thảo Nghị định không thuộc danh mục chất gây nghiện, chất hướng thần dùng làm thuốc của Bộ Y tế, thuốc thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các chất ma tuý này cũng không có ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân và lĩnh vực công, nông nghiệp. Vì vậy, việc đưa 15 chất trên vào danh mục kiểm soát của Chính phủ không tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng.

Đề xuất bổ sung 15 chất ma túy mới vào danh mục kiểm soát

Cụ thể, 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này gồm:

6 chất: 2-Methyl-AP-237, Etazene, Etonitazepyne, Protonitazene, Alpha-PiHP, 3-Methylmethcathinone được Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 66 (tháng 3/2023).

3 chất: Butonitazene, N,N-Dimethylpentylone, 3-Chloromethcathinone (3-CMC) được Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 67 (tháng 3/2024).

5 chất gây nghiện, chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp: MDMB- BUTINACA, MDMB-INACA, ADB-4en-PINACA, ADB-INACA, ADB- FUBIATA đã được một số nước Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ đưa vào kiểm soát và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa 5 chất trên vào danh mục kiểm soát trên cơ sở các vụ bắt giữ của các lực lượng chức năng Việt Nam.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung 1 chất ma túy là Bromazolam vào Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".

Chất này có tác dụng hướng thần (an thần, gây ngủ) nhóm Benzodiazepine tương tự như các chất thuộc danh mục III, được Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 67 (tháng 3/2024).

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây