Phản bác luận điệu Việt Minh cướp quyền Chính phủ Trần Trọng Kim

Thứ hai - 19/08/2024 18:02 191 0

Như vậy là đã rõ, “độc lập” khỏi người Pháp nhưng lại nhờ người Nhật giúp đỡ và bảo hộ, chỉ huy cho “độc lập”. Có lẽ chính vì điều này mà nhiều ý kiến cho rằng thực chất là Chính phủ khi ấy chỉ là chuyển từ lệ thuộc thực dân Pháp sang Phát xít Nhật.

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lại xuất hiện những bài viết cho rằng Việt Minh đã cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim. Theo những bài viết này thì Chính phủ Trần Trọng Kim đã được người Nhật công nhận “độc lập”. Họ cũng cho rằng với tuyên bố ngày 11.3.1945 của vua Bảo Đại cùng các thượng thư của triều đình nhà Nguyễn thì Việt Nam đã là một quốc gia độc lập chứ không phải đợi tới “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2.9.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách mạng tháng Tám - biểu tượng của sức mạnh Việt Nam

Ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 11.3.1945, vua Bảo Đại cùng các vị thượng thư của triều đình Huế là: Phạm Quỳnh, bộ Lại; Hồ Đắc Khải, bộ Hộ; Ưng Uý, bộ Lễ; Bùi Bằng Đoàn, bộ Hình; Trần Thanh Đạt, bộ Học và Trương Như Đính, bộ Công đã công bố Tuyên ngôn. Nội dung của bản Tuyên ngôn như sau: “Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung. Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”. Nội dung chính của bản Tuyên ngôn này tuyên bố bãi bỏ điều ước mà nước Pháp đã ký kết với Việt Nam năm 1884. Sau tuyên bố này, vua Bảo Đại đã giao cho học giả Trần Trọng Kim thành lập Chính phủ với tên gọi Đế quốc Việt Nam, thường gọi tắt là Chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 17.4.1945.

Vì bản tuyên ngôn này nên hiện nay một số ý kiến cho rằng nó chính là bản tuyên bố độc lập và nước Việt Nam đã chính thức độc lập sau tuyên bố này. Nếu quả tình việc giành độc lập của một dân tộc dễ đến vậy thì vì đâu suốt hơn 80 năm, nhiều thế hệ người Việt Nam, lớp ra pháp trường, lớp nối nhau vào nhà tù. Nếu giành độc lập mà dễ như vậy thì làm gì thực dân, đế quốc phải xây những nhà lao Sơn Sa, Lao Bảo, Côn Đảo, v.v…

Nhà báo Nam Đình - cựu Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim trong Hồi ký đã viết sau khi tuyên bố độc lập, vua Bảo Đại đã gửi cho dân chúng Nhật Bổn (Nhật Bản - NV) thông điệp sau đây: “Nhân cơ hội đáng ghi vào lịch sử này, đế quốc Việt Nam sung sướng dâng Đế quốc Nhật lòng tôn kính mà nước Việt Nam ôm ấp từ lâu. Bản quốc lấy làm tự hào được có nước Nhật chỉ huy các dân tộc và chủng loại, toàn cõi Á Châu. Trẫm xin tỏ lòng thành thật cảm ơn nước Nhật, giúp đỡ và hướng dẫn Đế quốc Việt Nam trong sự phục hồi nền độc lập”.

Người dân phá kho thóc Nhật năm 1945 (Ảnh: Võ An Ninh)

Như vậy là đã rõ, “độc lập” khỏi người Pháp nhưng lại nhờ người Nhật giúp đỡ và bảo hộ, chỉ huy cho “độc lập”. Có lẽ chính vì điều này mà nhiều ý kiến cho rằng thực chất là Chính phủ khi ấy chỉ là chuyển từ lệ thuộc thực dân Pháp sang Phát xít Nhật.

Thực ra đến thời điểm tháng 3.1945 thì thất bại của người Nhật đã rõ như ban ngày, thế nhưng Chính phủ Trần Trọng Kim và hoàng đế Bảo Đại vẫn quyết tâm bám víu vào đội quân chuẩn bị thất trận ấy thì quả là điều kỳ lạ. Phải chăng đó là cái “ngây thơ chính trị” của các nhà chính trị vốn xuất thân kỹ trị chăng? Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim sau này đã viết: “Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!”.

Nhà báo Nam Đình cũng đã viết trong Hồi ký, sau ngày Nhật đảo chính Pháp và công nhận “độc lập” của Việt Nam, ngày 18.3 tại sân Vườn Ông Thượng Sài Gòn (Công viên Tao Đàn hiện nay) diễn ra cuộc mít tinh quy tụ 50 ngàn người để chào mừng “độc lập”. Trong diễn văn, Chủ tịch Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng là Hồ Văn Ngà đã kêu gọi người dân hô to khẩu hiệu “Quân đội Nhật toàn thắng”. Nhà báo Nam Đình viết tiếp, trong khi tin tức về việc quân Nhật thua tới nơi được loan báo khắp nơi “Nhật thua tới nơi rồi, mà ngày giờ này còn có những cuộc biểu tình… ăn mừng Nhật thắng”.

Lính Pháp bị Nhật bắt giữ ở Hà Nội trong cuộc đảo chính tháng 3.1945

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, vua Bảo Đại đã có một quyết định sáng suốt là không nhờ quân đội Nhật bắn lại dân chúng và những người thuộc lực lượng Việt Minh, nhà vua cũng chấp nhận thoái vị để trao quyền lại cho chính phủ đại diện cho quốc dân. Đặc biệt, nhà vua đã ghi dấu son của mình vào lịch sử với câu nói nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập”. Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi” đã cay đắng thừa nhận: “Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều quan lại của triều đình, nhiều trí thức thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim đã đi theo cách mạng hoặc có những đóng góp khác nhau cho cách mạng như Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phan Kế Toại, v.v…

Gần 80 năm sau cuộc cách mạng vĩ đại này, đất nước và dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đã “tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại (Lời nói đầu Hiến pháp 1946). Tất nhiên, với những người luôn đau đáu với vận mệnh của đất nước, số phận của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân chắc chắn vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở, những điều chưa hài lòng. Chưa hài lòng bởi mong muốn Việt Nam phải thế kia, Việt Nam không phải thế này, Việt Nam phải tốt hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn… Nếu thực tế còn những khiếm khuyết, bất cập thì đó là trách nhiệm của những lớp người hôm nay, không phải lỗi của lớp cha ông đi trước, những người đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại mùa thu năm 1945. Vì vậy, xin hãy tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử: Việt Minh không cướp quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim, Việt Minh - mà cụ thể là Nhân dân Việt Nam đã giành quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật xâm lược.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây