Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ cán bộ, tăng cường chất lượng dịch vụ công trực tuyến, mục đích cuối cùng Tây Ninh hướng đến khi thực hiện chuyển đổi số là tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Xu hướng số hoá đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hay nói cách khác, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng, nhu cầu thiết yếu đối đối với các địa phương trên cả nước, trong đó có Tây Ninh.
Là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Những năm qua, công tác chuyển đổi số được Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Tây Ninh hết sức quan tâm, minh chứng rõ nét nhất là việc ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Qua đó, Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng về chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương bước đầu được hình thành để phục vụ công tác quản lý.
UBND tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao 176 nhiệm vụ của Chương trình cải cách hành chính Nhà nước (giai đoạn 2021 - 2030), tỉnh đang thực hiện trong hạn 49 nhiệm vụ, quá hạn 5 nhiệm vụ; hoàn thành đúng hạn 89 nhiệm vụ, quá hạn 4 nhiệm vụ; hoàn thành nhưng đang chờ xác nhận 29 nhiệm vụ.
TS. Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” với hạng mục Thành phố điều hành, đô thị thông minh (IOC).
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức, ngoài những kết quả tích cực, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.
Tỷ lệ hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến và tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng nền tảng số còn thấp.
Tính đến ngày 31/10/2024, tỉnh hoàn thành 9/16 chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi số.
Nói về tình trạng này, ông Đức cho rằng, nhận thức tầm quan trọng chuyển đổi số của người dân chưa thật sự đầy đủ, vẫn còn nhiều người chưa tiếp xúc với công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhật internet còn thấp;
Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; Thủ trưởng ở một số cơ quan, đơn vị chỉ đạo công tác cải cách hành chính chuyển đổi số chưa thực sự quyết liệt; nhân lực có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống mạng đôi khi trục trặc; một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp...
Để công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt với trách nhiệm cao nhất, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong kế hoạch của tỉnh đề ra;
Tập trung thực hiện ngay việc rà soát, xác định nội dung cải cách hành chính chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt, kết quả đạt thấp, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp cụ thể.
Việc chuyển đổi số được thực hiện rộng rãi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ông nhấn mạnh việc rà soát, đánh giá cụ thể từng bộ phận, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu để tiến hành củng cố, thay thế bằng cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, thực hiện việc cập nhật công khai, minh bạch thủ tục hành chính; lập đường dây nóng công khai để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện sai sót, xử lý nghiêm cán bộ không đáp ứng yêu cầu, có nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện cải cách hành chính; xây dựng tiêu chí đạo đức văn hóa công vụ, văn hóa xin lỗi nếu thực hiện trễ hạn thủ tục hành chính…
Đối với công tác chuyển đổi số, người đứng đầu chính quyền tỉnh Tây Ninh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số; nhất là các lĩnh vực thuế, tài nguyên - môi trường, đầu tư xây dựng…
Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ về kết nối, phần mềm theo hướng đơn giản hóa để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện; đẩy mạnh và nâng cao số hóa trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công khai đơn giản hóa thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện các thủ tục hành chính rườm rà để kiến nghị có giải pháp tháo gỡ.
Đặc biệt, phát triển mạnh số lượng tổ công nghệ số cộng đồng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cán bộ; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Công lý
Ý kiến bạn đọc