Già hoá dân số - Tây Ninh “chạm” ngưỡng

Thứ tư - 13/11/2024 09:16 36 0

Theo Cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số (Sở Y tế), tính đến thời điểm 12.11.2024, dân số toàn tỉnh là 1.235,7 nghìn người, trong đó người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) 183.409 người, đạt 14,84%. So với dân số chung, Tây Ninh đang tiến gần thời kỳ dân số già.

Đến năm 2030, Tây Ninh đặt mục tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái.

Chỉ số già hóa tăng nhanh

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một quốc gia sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân. Đến 2050, có 64 quốc gia “siêu già”. Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. 

Tại Việt Nam, thống kê từ Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% số dân. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi); 9,05 triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,8%) và 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Theo Luật Người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. 

Dự báo này bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%. Một điều đáng lưu ý, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài 20 năm, từ năm 2036 đến năm 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 đến 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số “siêu già” tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), nguyên nhân già hóa nhanh do tuổi thọ tăng và mức sinh giảm. Hiện tuổi thọ bình quân chung là 73,6 tuổi (nam 71 tuổi, nữ 76,4 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt đến 66 năm. 

Dự đoán trong 20- 30 năm tới, nhóm tuổi 20- 35 sẽ già hóa, điều này dẫn đến xu hướng dân số già, tương tự như xu hướng chung của cả nước.

Người cao tuổi mắc bệnh trung bình từ 2- 3 bệnh nền. So với các quốc gia khác, tuổi thọ ở Việt Nam tăng nhanh, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của thế giới, tương đối cao so với các quốc gia có cùng khả năng sống nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. 

Dự báo, chỉ số già hoá sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi, thì đến năm 2036 là hơn 3 người, đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người.

Thống kê trung bình, mỗi người Việt Nam có 10 năm phải sống với bệnh tật, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh của người dân. Trong khi đó, mức sinh giảm mạnh là các nhân tố thúc đẩy quá trình già hóa dân số nước ta trong tương lai. 

Đối mặt với nhiều mô hình bệnh tật

Tây Ninh nằm trong vùng ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chất lượng môi trường còn khá tốt so với vùng Đông Nam Bộ và cả nước, tài nguyên nước dồi dào về cả nguồn nước mặt và nước ngầm. 

Đây là một điều kiện thuận lợi để Tây Ninh xây dựng môi trường sống xanh, thu hút thêm nguồn vốn đến đầu tư vào các ngành kinh tế “xanh, sạch” và lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại tỉnh.

Kinh tế- xã hội của tỉnh những năm gần đây phát triển nhanh, mô hình bệnh tật có các vấn đề sức khoẻ mới phát sinh trong xu thế đô thị hoá, công nghiệp hoá như tim mạch, HIV, tai nạn giao thông, tâm thần, vệ sinh môi trường dân cư và các khu công nghiệp... trong khi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao và chuyển biến nhanh.

Theo thống kê, dân số toàn tỉnh là 1.235,7 nghìn người, trong đó dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có tỷ lệ cao nhất ở Tây Ninh. Ngoài ra, có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, chiếm gần 1,7% tổng dân số toàn tỉnh. Về cơ cấu dân số, có 32,3% dân số sống ở các khu vực đô thị (phần lớn tập trung ở TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng); 67,7% dân số sống ở nông thôn.

Theo Sở Y tế, mô hình các bệnh mắc cao nhất của người dân Tây Ninh tương tự như mô hình bệnh tật chung của cả nước và miền Đông Nam bộ. Trong đó, người cao tuổi thường gặp các bệnh mãn tính không lây như: tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, mạch máu não, bệnh mất trí nhớ (Alzheimer), té ngã, chấn thương... có nguy cơ gia tăng. 

Kết quả nghiên cứu gần 380.000 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị nội trú tại 3 bệnh viện công lập, nhóm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là bệnh không lây nhiễm (43,66%), theo sau là các bệnh truyền nhiễm, và thấp nhất nhóm tai nạn, ngộ độc, chấn thương (20,58%). Tính theo nhóm tuổi, bệnh lây nhiễm chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em (2 tháng đến 5 tuổi) và ở người 60 tuổi trở lên.

Một điều đáng lưu ý, tỷ lệ nhập viện của nhóm tuổi từ 60 trở lên cao gần gấp đôi so với các nhóm tuổi khác trong dân số, đặc biệt là các bệnh mãn tính không lây. Thống kê của ngành y tế, trong 10 bệnh tử vong cao nhất ở Tây Ninh, các bệnh liên quan đến tim mạch, gồm: xuất huyết não, nhồi máu, suy tim chiếm 38%. Tiếp theo là tử vong do các bệnh lý về phổi, viêm phổi và COPD chiếm khoảng 15%. 

Các bệnh này có xu hướng tăng cao trong những năm tới, tương tự như xu hướng mô hình bệnh tật ở Việt Nam. Để giảm số ca mắc và chết, theo ngành y tế, bên cạnh các hoạt động hiện có, tỉnh cần tăng cường và mở rộng ở nhiều xã phường về sự hiểu biết và những hành vi cần thay đổi của người dân về bệnh và các yếu tố nguy cơ liên quan như: ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá, giảm uống rượu bia, tăng cường hoạt động thể lực.

Đến năm 2030, Tây Ninh đặt mục tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái.

Từng bước nâng mức sinh, thích ứng già hoá dân số

Mặc dù việc gia tăng tuổi thọ trung bình đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển, tuy nhiên, trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững sẽ dẫn đến xu thế già hóa dân số nhanh.

Thống kê năm 2023, tỷ suất sinh thô của tỉnh Tây Ninh 10,23%o, giảm 3,37 điểm %o so năm 2022; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,55%. Theo Sở Y tế, Tây Ninh là tỉnh có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế, nằm trong top 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thấp nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ như: Bình Dương, Đồng Nai...

Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng dân số bình quân của tỉnh đạt 0,8%, cũng được xếp thấp nhất trong khu vực. Dự đoán trong 20- 30 năm tới, nhóm tuổi 20- 35 sẽ già hóa, điều này dẫn đến xu hướng dân số già, tương tự như xu hướng chung của cả nước. 

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dân số và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai, khi tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Do đó, mục tiêu chung của tỉnh là phấn đấu từng bước nâng mức sinh lên đạt mức sinh thay thế và duy trì vững chắc trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. 

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu từng bước nâng mức sinh lên đạt mức sinh thay thế và duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh.

Cụ thể đến năm 2030, tăng ít nhất 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 đạt từ 2,0-2,2 con/phụ nữ. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế khi kết quả đạt được sớm hơn mục tiêu (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 đến 2,2 con). 

Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Trong đó, ít nhất 50% xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập; 100% người cao tuổi (người 60 tuổi trở lên) có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở tập trung.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây