Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân

Thứ sáu - 03/05/2024 11:15 154 0

Bộ Công an cho biết, tính đến giữa tháng 4/2024, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 16 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân, 650 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Như vậy, đa số các đơn vị đã kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác thực thông tin, giải quyết thủ tục hành chính.

Qua rà soát, đến nay, toàn bộ 63 địa phương đã hoàn thành triển khai hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của các tỉnh, 21/22 Cổng dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Thanh tra Chính phủ) đã tích hợp phương thức đăng nhập thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VneID.

Điều này giúp công chức, viên chức tra cứu, khai thác các dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân; thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin cá nhân phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch và cung cấp dịch vụ công; giúp người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp các thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch. Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập trên các Cổng dịch vụ công để thực hiện các thủ tục hành chính và chuẩn hóa, làm sạch các tài khoản dịch vụ công khi công dân đăng nhập.

Đối với việc tích hợp đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử trực tiếp qua hệ thống định danh với các hệ thống khác (theo nhu cầu), tính đến nay có 46 đơn vị đang phối hợp với Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06) để triển khai (gồm 36 địa phương và 10 bộ, cơ quan ngang bộ) với 57 trang web, ứng dụng. Trong đó có 34 ứng dụng, trang web đang tiến hành tích hợp trên môi trường kiểm thử, 9 ứng dụng, trang web đang tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn; 5 ứng dụng đang tích hợp trên môi trường chính thức và 9 ứng dụng, trang web đã hoàn thành triển khai.

Về việc tích hợp cho phép công dân đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử trên cổng dịch vụ công, có 3 địa phương đã tích hợp đăng nhập thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (trong đó đã bao gồm đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử). Tỉnh Hưng Yên đã bổ sung thêm phương thức tích hợp đăng nhập trực tiếp với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Cũng theo Bộ Công an, Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện, xã trên toàn quốc.

Số bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 87,79 Mbps.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 44,92 Mbps, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57 và thấp hơn trung bình thế giới là 48,47 Mbps. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15-30% so với năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao, các nội dung truyền thông đa phương tiện.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tin tức - TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây