Không đứng ngoài chuyển đổi số và xanh

Thứ sáu - 03/05/2024 10:20 45 0

Các doanh nghiệp cần hướng tới yếu tố song hành của chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh nhằm tạo nên chuyển đổi kép và sự thay đổi tích cực trong nội hàm doanh nghiệp.

Chuyên gia chuyển đổi số Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ AB Soft ERP. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Do đó, chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số đi đôi với chuyển đổi xanh đang được đặt ra như một xu thế chung của toàn cầu.

Đây là mối quan hệ tương hỗ và theo đó, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần hướng tới yếu tố song hành của chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh nhằm tạo nên chuyển đổi kép và sự thay đổi tích cực trong nội hàm doanh nghiệp. 

Phân tích rõ nét về điều này, Chuyên gia chuyển đổi số Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ AB Soft cho hay, chuyển đổi xanh tập trung vào việc thay đổi cách thức vận hành doanh nghiệp và xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Các mục tiêu chính bao gồm: giảm thiểu phát thải carbon, thúc đẩy năng lượng tái tạo và áp dụng các hoạt động tối ưu hóa tài nguyên và hạn chế ô nhiễm.

Trong khi đó, chuyển đổi số lại là quá trình tích hợp các công nghệ số trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp như: phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và điện toán đám mây.

Các mục tiêu thực thi báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp hay còn gọi là ESG trong chuyển đổi xanh sẽ giúp định hình các tiêu chuẩn, thủ tục, quy định và thỏa thuận để thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Nói cách khác, cả xanh và số đều được xem là hai mặt "bắt buộc" của một xu hướng mà Việt Nam không thể đứng vòng ngoài. 

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn về việc cân bằng trách nhiệm môi trường với tăng trưởng kinh tế. Các mô hình truyền thống chịu nhiều thách thức bởi mối lo ngại về khí hậu, các quy định mới và nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại sự kiện Net Zero. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

"Muốn chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, doanh nghiệp cần đưa ra một chiến lược mạnh mẽ, giúp trực diện "đương đầu" với các thách thức. Từ đó, vừa đảm bảo tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai, vừa tạo ra những đóng góp tích cực cho môi trường ở hiện tại", ông Dũng nêu rõ.

Theo các báo cáo từ nhiều tổ chức quốc tế, ngành công nghệ thông tin ước tính đóng góp 20% vào tất cả các hoạt động hướng tới chuyển đổi xanh. Nếu có thêm sự cộng hưởng của công nghệ số, sẽ giúp đẩy nhanh thêm 22% tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải thông qua việc tối ưu hóa tài nguyên; cải tiến công nghệ thiết kế sản phẩm mà không phát sinh thêm rác thải trong quá trình thử nghiệm.

Cùng với đó, công nghệ số còn dẫn dắt các sáng kiến xanh, tạo ảnh hưởng lên các lĩnh vực như huy động vốn, hiệu quả chuỗi cung ứng và các hoạt động vì môi trường tại doanh nghiệp. Điều này càng thêm khẳng định, tầm quan trọng của chuyển đổi kép trong việc vừa đảm bảo tiến bộ môi trường, vừa củng cố năng lực cạnh tranh dài hạn của doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nhiều nước trên thế giới đang vận dụng chuyển đổi kép theo nhiều phương thức khác nhau và rất linh hoạt. Đó có thể là phát triển lưới điện thông minh, cho phép tích hợp năng lượng tái tạo một cách liền mạch.

Việc tối ưu hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo giúp cân bằng cung và cầu năng lượng một cách linh hoạt, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tối thiểu hóa lượng khí thải.

Hay như tự động hóa ngành nông nghiệp thông qua việc sử dụng các cảm biến, máy bay không người lái và các công cụ kỹ thuật số khác, nông dân có thể thu thập dữ liệu chi tiết về từng khu vực trong cánh đồng, bao gồm độ phì nhiêu của đất, nhu cầu nước và tình trạng cây trồng.

Ở nhiều đô thị hay thành phố lớn, người dân còn tích hợp các cảm biến kỹ thuật số, hệ thống tự động hóa và phân tích dữ liệu dựa trên AI cho phép kiểm soát thông minh các yếu tố như ánh sáng, hệ thống sưởi, làm mát và thông gió trong các tòa nhà thương mại. Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đảm bảo sử dụng năng lượng tối ưu và duy trì điều kiện môi trường thoải mái bên trong tòa nhà, qua đó giảm thiểu cả chi phí và tác động đến môi trường...

Ngoài ra, nhiều xu hướng khác như chuyển đổi kép trong lĩnh vực sản xuất như thiết kế ô tô, sản xuất máy móc, công nghiệp thời trang... Hay công nghệ kỹ thuật số ứng dụng để tối ưu hóa các hệ thống đô thị, bao gồm giao thông, quản lý rác thải, hệ thống nước và dịch vụ công.

Việc kết nối các cảm biến, mạng lưới và phân tích dữ liệu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút doanh nghiệp và nhân lực chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường của khu vực đô thị; quản lý rác thải công nghệ hay chuyện làm việc từ xa.

Có thể thấy rằng, chính nhờ sự kết hợp mạnh mẽ giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ đem lại tiềm năng to lớn và những lợi ích vượt xa so với việc chỉ đáp ứng các yêu cầu về tính tuân thủ. Bằng cách áp dụng các sáng kiến bền vững và tận dụng công nghệ số một cách chiến lược, doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh, nâng cao danh tiếng và xây dựng một tương lai vững mạnh hơn.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: bnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây