Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ tư - 06/11/2024 09:11 57 0

UBND tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao 176 nhiệm vụ của Chương trình cải cách hành chính Nhà nước (giai đoạn 2021 - 2030), tỉnh đang thực hiện trong hạn 49 nhiệm vụ, quá hạn 5 nhiệm vụ; hoàn thành đúng hạn 89 nhiệm vụ, quá hạn 4 nhiệm vụ; hoàn thành nhưng đang chờ xác nhận 29 nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Cải cách thủ tục hành chính tỉnh Tây Ninh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số ở một số sở, ngành và địa phương của tỉnh vẫn còn thiếu sự quan tâm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa hiệu quả. Hệ thống kết nối, phần mềm chưa thân thiện, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng... dẫn đến một số chỉ tiêu về cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận 270.497 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó số lượng hồ sơ đã giải quyết là 260.103 hồ sơ (254.598 hồ sơ trước hạn, đúng hạn, đạt 94,12%); 5.505 hồ sơ quá hạn (chiếm 2,03%). Toàn tỉnh tiếp nhận 306 phản ánh kiến nghị, chủ yếu liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp, căn cước công dân, hộ chiếu, xe máy.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn còn nhiều hồ sơ quá hạn, tập trung ở lĩnh vực đất đai cấp huyện; vẫn còn tình trạng thực hiện chuyển hồ sơ điện tử chưa đúng trạng thái so với thực tế; đính kèm chưa đúng kết quả điện tử đầu ra và đúng file số hóa đầu vào.

Việc thực hiện công khai các nội dung cho nhân dân để “biết, bàn, kiểm tra, giám sát” ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ. Các phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính tăng trên 93%, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết phản ánh chỉ dưới 10%.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến hết tháng 10/2024. 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức cho biết, tính đến ngày 31/10/2024, tỉnh đã hoàn thành 9/16 chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi số. Trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trên cổng thông tin trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt thấp. Công tác rà soát cấp độ an toàn thông tin còn chậm so với kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Tấn Đức, nguyên nhân là do hạ tầng mạng còn bất cập, gây hạn chế, người dân chưa thích nghi với việc thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến; một số thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn phức tạp.

Thủ trưởng ở một số cơ quan đơn vị thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; chưa có giải pháp cụ thể trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; thiếu kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền thiếu thường xuyên, liên tục, đồng bộ.

Cán bộ tại các bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục, hồ sơ ở một số nơi chưa phù hợp, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu chủ động trong việc phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; còn tình trạng né tránh trong phúc đáp, trả lời kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt với trách nhiệm cao nhất; phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong kế hoạch của tỉnh đề ra; tập trung thực hiện ngay việc rà soát, xác định nội dung cải cách hành chính chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt, kết quả đạt thấp, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể từng bộ phận, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu để tiến hành củng cố, thay thế bằng cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc cũng đề nghị thực hiện ngay việc cập nhật công khai, minh bạch thủ tục hành chính; lập đường dây nóng công khai để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Cán bộ tiếp nhận phản ánh phải cầu thị, không né tránh phúc đáp trong trả lời kiến nghị. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện sai sót, xử lý nghiêm cán bộ không đáp ứng yêu cầu, có nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện cải cách hành chính; xây dựng tiêu chí đạo đức văn hóa công vụ, văn hóa xin lỗi nếu thực hiện trễ hạn thủ tục hành chính…

Đối với công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số; nhất là các lĩnh vực thuế, tài nguyên - môi trường, đầu tư xây dựng…

Các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ về kết nối, phần mềm theo hướng đơn giản hóa để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện; đẩy mạnh và nâng cao số hóa trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công khai đơn giản hóa thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện các thủ tục hành chính rườm rà để kiến nghị có giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, các đơn vị phát triển mạnh số lượng tổ công nghệ số cộng đồng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cán bộ; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tin tức - TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây