Báo chí trên trận địa tư tưởng - Cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn - Bài 3: Nguyên tắc bất di bất dịch đối với báo chí

Thứ sáu - 08/11/2024 09:37 29 0

Báo chí, truyền thông Việt Nam được Đảng lãnh đạo trực tiếp trên nhiều phương diện, đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động báo chí cách mạng Việt Nam.

- Bài 1: “Họ đang giành giật lòng người với chúng tôi”

- Bài 2: Báo chí đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

Phản ánh và hướng dẫn dư luận

Trong điều kiện mới của quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí càng cần thiết. Xã hội càng phát triển, thông tin báo chí càng có vai trò to lớn. 

Bằng những nội dung thông tin có định hướng đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục, báo chí có khả năng hình thành dư luận xã hội hướng tới đồng thuận xã hội phù hợp với vận động của hiện thực theo chiều hướng có chủ đích.

Những người làm báo Việt Nam xác định, báo chí cách mạng nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng sẽ không còn sự sáng tạo, ngòi bút sẽ lạc lõng, mất phương hướng. Mọi hoạt động của báo chí phải tuân theo định hướng của Đảng, không chạy theo khuynh hướng thương mại, thật sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân. 

Báo chí giữ vai trò phản ánh và hướng dẫn dư luận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, ủng hộ và thúc đẩy công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Là phương tiện trọng yếu đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí, truyền thông làm tròn sứ mệnh động viên toàn xã hội phấn đấu thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Nắm vững tinh thần và quyết tâm chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra là “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới... bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.

Thực hiện chức năng biểu dương và phê phán

Bám sát tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, báo chí, truyền thông phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, người tốt, việc tốt, những biểu hiện tích cực nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.

Bản chất của sự nghiệp đổi mới là hình thành và hoàn thiện cái mới, cái tiêu biểu. Cái mới được phản ánh trên báo chí, truyền thông có thể là một nhân tố mới, một sự kiện mới, một phẩm chất mới, một kinh nghiệm mới, một phương hướng mới xuất hiện trong đời sống xã hội. 

Cái mới được thông tin có thể lúc đầu còn là cái riêng, cái cá biệt, song, trong tương lai, nếu được nuôi dưỡng, khuyến khích sẽ là cái chung, cái phổ biến. Cái mới trong công tác xây dựng Đảng càng được phản ánh khách quan, chân thực bao nhiêu thì chất lượng xây dựng Đảng càng trong sạch và lành mạnh bấy nhiêu. 

Cái mới, cái tiến bộ do Đảng đề xướng và lãnh đạo càng tiêu biểu cho sự vận động đi lên của sự vật, hiện tượng của đời sống xã hội thì càng có giá trị, càng có ý nghĩa thuyết phục lớn lao. Cái mới có tác dụng rất quan trọng trong việc cổ vũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời có sức cảm hoá và lôi cuốn quần chúng noi theo. 

Hiện nay, nhiều chuyên mục trên các cơ quan truyền thông đại chúng như “gương sáng đảng viên”, “việc tử tế”, “những bông hoa đẹp”... được công chúng rất quan tâm và đánh giá cao. Báo chí, truyền thông kiên định cổ vũ nhân tố mới, nhưng đồng thời kiên quyết chống tiêu cực và chống tiêu cực cũng là để cho nhân tố mói thật sự được tôn vinh trong đời sống xã hội. 

Trong điều kiện hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức diễn biến phức tạp thì việc đấu tranh chống những biểu hiện trên lại càng cần thiết. Báo chí, truyền thông cùng với sự giám sát của nhân dân, là tai mắt tinh nhạy phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận những biểu hiện của sự thoái hoá, biến chất đó. Trong việc thực hiện chức năng biểu dương và phê phán, báo chí, truyền thông Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Báo chí truyền thông đã tham gia tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với những nội dung thiết yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Thông qua việc biểu dương cái tốt, đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực, báo chí góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, làm lành mạnh quan hệ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. 

Qua hoạt động của báo chí, truyền thông trong nhiệm vụ này, nhân dân càng tin vào Đảng với việc nghiêm túc tự đổi mới, tự chỉnh đốn để làm trong sạch và tăng cường sức mạnh, xứng đáng là Đảng trí tuệ, Đảng của niềm tin.

Đấu tranh chống quan điểm sai trái

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một phần quan trọng trong đấu tranh tư tưởng, có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng Đảng cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Trong cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn này, báo chí, truyền thông Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích quan trọng. 

Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí, truyền thông đã nhận dạng các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, chỉ rõ các dạng quan điểm sai trái, đồng thời từng bước đưa ra những giải pháp để đấu tranh chống các quan điểm đó. 

Trước hết, báo chí, truyền thông coi việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là tuyên chiến trên báo chí với những đối tượng đó. Điều chính yếu nhất, quan trọng nhất là tuyên truyền để giữ vững lập trường, quan điểm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, để ai ai cũng thấy lẽ phải, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc với những mục đích xấu. 

Trên cơ sở nhận thức như vậy, báo chí tuyên truyền, giải thích đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Bằng những tác phẩm báo chí đa dạng, giàu sức thuyết phục, báo chí truyền bá chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam. 

Báo chí giúp cho toàn xã hội nhận thức đúng để thống nhất tư tưởng, hành động, không có khoảng trống để các luận điệu thù địch lung lạc. Tất cả những thông tin quan trọng của thế giới và trong nước được các phương tiện báo chí cung cấp đầy đủ, mang tính định hướng dư luận để không có sự hiểu biết sai lệch. 

Có thể khẳng định những hoạt động của báo chí, truyền thông Việt Nam trong gần thế kỷ qua, đặc biệt hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã có những đóng góp khá nổi bật. Những hạn chế của báo chí trong khi thực hiện những trọng trách của mình cũng khá rõ. 

Khi thực hiện chức năng biểu dương và phê phán, vẫn có những tình trạng phản ánh quá mức, hoặc tô hồng, hoặc bôi đen. Cũng có trường hợp phản ánh gương điển hình đáng để công chúng học tập nhưng một thời gian sau lại thấy đó không phải là gương sáng. 

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội cũng có những nhà báo “nhanh nhảu đoảng” hoặc “thật thà hư”, vô tình tiết lộ thông tin, ảnh hưởng đến công tác điều tra phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng. Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cũng còn nhiều vướng mắc, những lập luận để đấu tranh chưa thật sắc bén, sức thuyết phục còn hạn chế.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây