Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ năm - 07/11/2024 11:05 15 0

Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917) đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, không chỉ tạo ra chân lý: hòa bình, tự do, bình đẳng và quyền tự quyết của tất cả dân tộc, mà còn đưa loài người tiến bộ bước sang một trang sử mới của sự tiến bộ, hòa hợp và phát triển.

Cách đây 107 năm, lịch sử nhân loại đã chứng kiến một kỳ tích làm “rung chuyển thế giới” - thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Cuộc cách mạng đã lật đổ ách thống trị tàn bạo của giai cấp phong kiến, địa chủ và tư sản Nga, giành chính quyền về tay các Xô Viết. Từ đây, các công nhân, nông dân, binh sỹ được đứng lên làm chủ để xây dựng và bảo vệ xã hội mới. Cách mạng Tháng Mười đã hiện thực hóa khát vọng giải phóng giai cấp - xóa bóc lột, áp bức, bất công, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mang lại tự do, ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại này đã biến học thuyết Mác thành chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách nô lệ, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

  Lênin - người khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Mười Nga cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cổ vũ con đường giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và các nước phụ thuộc, cuối cùng là sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thực dân thế giới.

Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa hết sức đặc biệt, ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình cách mạng, là động lực để Nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng mình khỏi ách nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước để tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Những nguyên lý sâu sắc về cách mạng giải phóng dân tộc, những bài học kinh nghiệm chủ yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản; về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; về thiết lập và củng cố khối liên minh công nông; về phương pháp bạo lực cách mạng; về xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản… đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trước thời kỳ đổi mới ở nước ta, chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đây chính là bước đi có chọn lọc giúp Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và CNXH.

Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đồng thời với đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. (Ảnh: Quang Trần) 

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, của Bộ Chính trị khóa XIII, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua các đợt sinh hoạt, học tập, cán bộ, đảng viên nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nội dung và giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Thông qua việc thực hiện các nghị quyết, kết luận đó, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế xã hội phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.

Đồng thời với đó, Đảng ta tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch không ngừng chống phá, xuyên tạc thành quả của Cách mạng tháng Mười và chế độ chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành.

Thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta đang quyết tâm mạnh mẽ thể hiện ở chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với 7 định hướng chiến lược là: Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; Về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chuyển đổi số; Chống lãng phí; Cán bộ và Kinh tế.

Mục tiêu của chiến lược là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.  

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Hy vọng, với tư duy đổi mới và sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, khí thế, quyết tâm và sự thống nhất về tư tưởng và hành động, Đảng ta sẽ khơi thông mọi nguồn lực, huy động cao nhất sức người, sức của, tiếp tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những năm tiếp theo./.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây