Báo chí trên trận địa tư tưởng - Cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn - Bài 1: “Họ đang giành giật lòng người với chúng tôi”

Thứ sáu - 08/11/2024 09:31 15 0

Một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ: Báo chí phải tạo ra những chuỗi bài có tính chiến đấu cao, đủ sức thuyết phục dư luận chứ không chỉ đưa tin, phản ánh thông thường.

Cuối tháng 10, trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “tập trung xây dựng đội ngũ “bút chiến” sắc bén về lý luận, am hiểu sâu sắc thực tiễn với các chuỗi bài có tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục cao, tạo đồng thuận trong thực hiện những chủ trương lớn, giải quyết những vấn đề bức xúc, có khả năng lan toả trong nhân dân, phản bác sắc bén các quan điểm sai trái.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ: Báo chí phải tạo ra những chuỗi bài có tính chiến đấu cao, đủ sức thuyết phục dư luận chứ không chỉ đưa tin, phản ánh thông thường. Yêu cầu của Tổng Bí thư không phải không có lý do, vì “làn sóng điện đang thay cho thanh gươm”. Trước khi sử dụng thanh gươm, làn sóng điện bao giờ cũng đóng vai trò “dọn đường dư luận” trước.

Năm 2018, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Hội đồng Lý luận Trung ương xuất bản cuốn sách “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới”. Nội dung cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của lãnh đạo, chuyên gia về truyền thông, báo chí hàng đầu của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Cuốn sách là kết quả thực hiện thoả thuận hợp tác về trao đổi lý luận thường niên lần thứ 13 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức ngày 25.5.2017.

Dư luận tốt có thể gắn kết được lòng người

Tại thời điểm đó (2017), ông Lưu Kỳ Bảo- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ ra rằng, dư luận báo chí luôn là lực lượng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Dư luận tốt có thể gắn kết được lòng người, tập hợp được lực lượng, dư luận không tốt sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí có thể thay đổi lòng dân, phân tán xã hội. Hai Đảng Cộng sản (Việt Nam và Trung Quốc) đều là Đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx, kể cả trước khi giành được chính quyền hay trong quá trình cầm quyền lâu dài đều hết sức coi trọng công tác dư luận báo chí.

Báo chí là phương tiện hữu hiệu để truyền bá chân lý, tổ chức quần chúng, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền thông hiện đại, đặc biệt cuộc cải cách truyền thông nhanh chóng do việc phát triển mạng internet đã mang lại cơ hội và thách thức chưa từng có cho công tác dư luận báo chí, đặt ra vấn đề mới cho sự lãnh đạo của hai Đảng đối với công tác dư luận báo chí. Môi trường định hướng dư luận ngày càng phức tạp. Trên thế giới, các loại tư tưởng văn hoá giao lưu, giao hoà và đấu tranh ngày càng phổ biến.

“Các nước phương Tây đẩy nhanh thực hiện Tây hoá, phân hoá, giành giật lòng người với chúng tôi”- ông Lưu Kỳ Bảo viết. Ý thức tư tưởng xã hội trong nước đa dạng, biến đổi ngày càng rõ rệt, lĩnh vực tư tưởng, văn hoá đã bước vào thời kỳ giao thoa mạnh mẽ, các lực lượng đua nhau lên tiếng, các trào lưu tư tưởng không ngừng gia tăng.

Trong môi trường phức tạp đó, làm thế nào để nâng cao năng lực định hưóng dư luận, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của thế lực thù địch một cách hiệu quả, dẫn dắt tổng hợp nhận thức, tư tưởng xã hội, củng cố và làm lớn mạnh dư luận tư tưởng chính thống, là những thách thức to lớn đối với công tác dư luận báo chí.

Các chuyên gia chỉ ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các hình thức truyền thông ngày càng thay đổi, ứng dụng di động, truyền thông xã hội đã trở thành một cửa thông tin quan trọng.

Các bình diện tích hợp, các ứng dụng truyền thông cá nhân phát triển mạnh mẽ, truyền hình trực tuyến trên mạng, hỏi đáp trên mạng đều trở thành kênh quan trọng để hình thành và truyền bá dư luận.

Dư luận báo chí ngày càng thể hiện đặc trưng mỗi người đều có thế truyền phát thông tin, truyền phát nhiều hướng, truyền phát khối lượng lớn, đã tăng thêm mức độ khó khăn trong quản lý dư luận.

Cục diện báo chí, môi trường dư luận đang nảy sinh biến đổi sâu sắc, đã làm thay đổi nếp sống, phương thức tư duy, quan niệm tư tưởng của người dân. Nếu vẫn giữ quán tính, tư duy cũ, vẫn làm báo theo cách thức cũ thì sẽ ngày càng xa rời thời đại và quần chúng, thậm chí sẽ đánh mất trận địa dư luận, mất quyền phát ngôn.

Bất kể thời đại phát triển như thế nào, cục diện báo chí biến đổi ra sao, đều phải kiên trì không dao động nguyên tắc Đảng quản lý báo chí, không chỉ quản lý các cơ quan truyền thông, báo chí của Đảng và Chính phủ, còn phải quản lý đơn vị truyền thông, báo chí ở các cấp, các loại hình khác.

Tận dụng ưu thế của công nghệ

Chính vì thế, cần kiên trì phương hướng chính trị đúng đắn, “kiên trì chính trị gia làm báo, làm tạp chí, làm việc ở đài truyền hình, đài phát thanh, làm trang tin tức. Không chỉ có việc đưa tin báo chí cần phải có định hướng, các phụ san, chương trình chuyên đề, tuyên truyền cũng phải có định hướng, để tạo ra giai điệu chính và năng lượng tích cực chủ đạo cho tất cả không gian báo chí và hình thức truyền tải.

Luôn kiên trì xu hướng giá trị đúng đắn gắn phục vụ quần chúng với giáo dục, định hướng quần chúng, gắn bảo đảm nhu cầu với nâng cao chất lượng. Cần tăng cường tuyên truyền đưa tin về sự phấn đấu nỗ lực và đời sống của quần chúng nhân dân, về những điển hình tiên tiến và câu chuyện cảm động trong quần chúng nhân dân để làm phong phú thế giới tinh thần, tăng thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân.

Kiên trì phương hướng chính trị, định hướng dư luận, xu hướng giá trị đúng đắn, tập trung thể hiện trong việc kiên trì quan điểm báo chí của chủ nghĩa Marx. Một số người tuyên truyền quan điểm báo chí phương Tây, coi truyền thông phương Tây là “của chung xã hội”, là “quyền lực thứ tư”, nhưng thực ra truyền thông phương Tây chịu sự khống chế của vốn, của nhà tư bản, căn bản không tồn tại “tự do báo chí”.

Đối với các trào lưu tư tưởng sai trái của phương Tây, như chủ nghĩa hợp hiến, chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa hư vô lịch sử, cần giương cao ngọn cờ lý luận xã hội chủ nghĩa, biện minh, bác bỏ, vạch rõ bản chất, phân tích tác hại của nó, giúp cán bộ, quần chúng xác định rõ ranh giới đúng sai, làm rõ nhận thức mơ hồ.

Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông mới tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ chưa từng có giữa nó với truyền thông truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, cần hết sức coi trọng nhưng không bi quan và có nhận định phán đoán cơ bản rằng truyền thông mới và truyền thông truyền thống không phải là mối quan hệ đơn giản theo xu hướng mặt này tăng, mặt kia giảm.

Trong điều kiện nhất định, như phát triển, hội nhập sẽ hình thành xu hướng cùng tăng trưởng. Phát triển hội nhập chính là thông qua công nghệ internet để làm cho nội dung báo ngày càng nâng cao và truyền tải sâu rộng hơn.

- Bài 2: Báo chí đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

- Bài 3: Nguyên tắc bất di bất dịch đối với báo chí

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây