Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10.10) và "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số": Ðể người dân biết, hiểu, tin và sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến

Thứ tư - 11/10/2023 16:37 159 0

BTN - Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng thông dụng trong đời sống, tuy nhiên, hình thức thanh toán này mới chỉ phổ biến đối với nhóm người trẻ, có tài khoản ngân hàng, khá thành thạo công nghệ. Còn lại đa số người dân trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng chuyển khoản tiền mua hàng tại TTTM Long Hoa

Nhanh, tiện lợi

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khai trương và đưa vào thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện kể từ ngày 24.8. Đây là chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, VNPT Tây Ninh và Ngân hàng Vietinbank Tây Ninh trong chuyển đổi số bệnh viện.

Theo đó, người dân chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trên điện thoại và quét mã QR hiển thị trên phiếu thu của bệnh viện. Sau khi kiểm tra, xác nhận thông tin giao dịch và thực hiện giao dịch, người dân đã thanh toán nhanh chóng mà không cần đến quầy thu ngân của bệnh viện, rút ngắn thời gian đến khám, chữa bệnh của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro phát sinh khi thanh toán tiền mặt, góp phần đơn giản hoá thủ tục, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân. Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp bệnh viện minh bạch trong quản lý tài chính, tránh thất thoát. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì hình thức thanh toán này khá nhanh, tiện lợi, tiết kiệm thời gian khi thanh toán viện phí và các dịch vụ y tế”.

Quét mã QR thanh toán

Tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đã phối hợp triển khai mô hình “Chợ 4.0”. Ban quản lý chợ phối hợp các chi nhánh ngân hàng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con tiểu thương cài đặt ứng dụng (App) ngân hàng, tạo mã QR để chuyển khoản. Bước đầu một số tiểu thương và khách hàng đã nhận thấy những lợi ích của cách thức thanh toán mới.

Chị Thanh Hằng kinh doanh vải ở trung tâm thương mại (TTTM) Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết: “Tôi buôn bán ở đây đã nhiều năm, từ hồi nào giờ toàn xài tiền mặt. Mới đây khi được nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt app và tạo mã QR để thanh toán trực tuyến, tôi sử dụng và thấy tiện cho cả người bán và khách hàng. Nếu như trước đây mình phải giữ tiền mặt trong người, có khi bị mất, hao hụt. Còn giờ dùng hình thức chuyển khoản thì dễ quản lý tiền bạc hơn, tiền khách hàng chuyển đúng y cả số lẻ, không phải mất thời gian thối tiền; còn giao dịch chuyển tiền hàng cho mối cũng qua app được cài trên điện thoại, không mất thời gian đến ngân hàng như trước đây”.

Đối với người mua hàng, hình thức thanh toán chuyển khoản được những khách hàng trẻ tuổi hưởng ứng tích cực. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng phương thức chuyển khoản bởi thấy nó rất nhanh và tiện lợi. Giờ có công nghệ, đi đâu không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, chỉ cần mang điện thoại thông minh kết nối mạng quét mã thanh toán chuyển khoản là xong”.

Ít người sử dụng

Mặc dù thanh toán trực tuyến có nhiều tiện lợi nhưng hình thức thanh toán này mới chỉ phổ biến đối với nhóm người trẻ, có tài khoản ngân hàng, khá thành thạo công nghệ. Còn lại đa số người dân trên địa bàn tỉnh vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày.

Tại bộ phận Một cửa trên địa bàn tỉnh, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình (có thanh toán trực tuyến) chưa nhiều. Nguyên nhân là thói quen dùng tiền mặt của người dân; một số người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có tài khoản ngân hàng, không sử dụng điện thoại thông minh. “Để khắc phục khó khăn, công chức phải sử dụng tài khoản ngân hàng của mình thanh toán trực tuyến đối với phí thủ tục hành chính thay người dân rồi sau đó thu tiền mặt”- một công chức trực bộ phận Một cửa cấp xã cho biết.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 10 trường hợp thực hiện. Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đây là hình thức thanh toán mới nên người dân vẫn chưa quen. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tuyên truyền, tư vấn cho người dân về việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua kênh tư vấn trực tiếp, qua các tờ rơi để người dân biết và thực hiện”.

Còn tại chợ thị xã Trảng Bàng và TTTM Long Hoa (thị xã Hoà Thành), số tiểu thương và khách hàng sử dụng phương thức chuyển khoản không nhiều. Mô hình “Chợ 4.0” nhìn chung mới chỉ dừng lại ở mức trải nghiệm, phong trào.

Ông Nguyễn Thanh Tâm- Trưởng Ban Quản lý TTTM Long Hoa cho biết, gần đây có một số chi nhánh ngân hàng có tổ chức sự kiện kết hợp hỗ trợ tiểu thương cài đặt tài khoản ngân hàng, tuy nhiên, số lượng tiểu thương hưởng ứng chưa nhiều.

Theo ông Tâm, trước hết là do thói quen xài tiền mặt; các giao dịch mua bán hàng hoá ở đây có giá trị không lớn; khách hàng chủ yếu là người trung niên, lớn tuổi không xài app ngân hàng, không sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, họ có tâm lý lo sợ bị gạt khi chuyển khoản.

Tích cực truyền thông và hỗ trợ người dân

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2022 của Tây Ninh chỉ đạt khoảng 5,78%. Do đó, việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình cũng như các giao dịch mua bán hằng ngày cần được tăng cường hơn nữa.

Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp các ngân hàng hỗ trợ người dân mở tài khoản, cài đặt app ngân hàng trên điện thoại, tuy nhiên, tần suất hỗ trợ nhìn chung chưa thường xuyên. Người dân vẫn rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và các tiện ích số phục vụ đời sống, từ đó góp phần nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP nói riêng và chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột nói chung.

 “Chiến dịch truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa triển khai một cách sâu rộng, thường xuyên. Do đó, tiểu thương và người dân chưa biết, chưa hiểu, chưa đủ tin tưởng để sử dụng. Công tác truyền thông cần phải làm thường xuyên, liên tục, phải làm sao để mọi người thấy có lợi, gần gũi với họ và dễ sử dụng. Ở một góc độ khác, theo tôi, nếu các ngân hàng làm tốt việc này sẽ thu hút được một lượng tiền mặt rất lớn trong dân”- Trưởng Ban quản lý TTTM Long Hoa cho biết.

Phương Thuý - Tâm Giang

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây