Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng

Thứ hai - 08/07/2024 22:30 55 0

Nhiều trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm đã được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả số tiền lớn.

Chiều 8/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố số liệu tổng hợp liên quan đến kết quả khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

BHXH Việt Nam cho biết, chính sách BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. 

Thực tế những năm qua, số tiền chi trả cho các trường hợp người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm từ quỹ BHYT lên tới hàng tỷ đồng/năm. Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân N.Q.T. (ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm, được quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng. Hiện nay, người này đã trở về với cuộc sống bình thường.

Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được BHYT chi trả số tiền lớn. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

Tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám, chữa bệnh. Riêng năm 2023, số chi khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe nhân dân.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, mức chi khám, chữa bệnh BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1,3 triệu đồng/năm.

Hiện nay, mức chi trả và danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh gia tăng quyền lợi khám chữa bệnh, thời gian qua, người tham gia, người đóng BHYT còn được thụ hưởng nhiều lợi ích, tiện ích từ công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.

Thực hiện Đề án số 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng đã được tích hợp, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số bộ, ngành. Hiện, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân. Người bệnh được đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khi đi khám, chữa bệnh; đồng thời, việc quản lý quỹ BHYT cũng hiệu quả hơn, chống trục lợi quỹ.

Cùng với đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ sở y tế cũng như trong quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH; liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe...

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây