Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số cải cách hành chính

Thứ sáu - 11/08/2023 17:19 56 0

Tương tự chỉ số PCI, bên cạnh các kết quả tích cực, các chỉ số PAPI, chỉ số Cải cách hành chính năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Vấn đề này cũng đã được Sở Thông tin - Truyền thông phân tích rõ.

 

>> Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số cải cách hành chính

 (Tiếp theo và hết)

Bộ phận Một cửa xã Bình Minh. Ảnh: Tấn Đạt

Chỉ số PAPI: cần cải thiện nội dung quản trị điện tử

Sau khi nghiên cứu kỹ các báo cáo, phân tích về chỉ số PAPI năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phân tích sâu Chỉ số nội dung 8 (Quản trị điện tử) như sau:

Mặc dù năm 2022, chỉ số quản trị điện tử ở mức trung bình cao nhưng điểm chỉ đạt 3,09/10 điểm. Trong đó, điểm của các thành phần cũng thấp như: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương; Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử.

Trong đó, điểm sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương là thấp nhất. Lượng người ít truy cập vào cổng thông tin điện tử cho thấy người dân khó khăn khi tìm kiếm thông tin hoặc tìm kiếm không có thông tin nên không truy cập. Do đó, Sở Thông tin - Truyền thông đề nghị các địa phương có lượng truy cập ít cần quan tâm cập nhật kịp thời thông tin lên cổng; thông tin phải đầy đủ, kịp thời, dễ đọc, dễ tìm.

Số liệu thống kê việc phúc đáp, trả lời ý kiến, phản ánh của người dân trên các hệ thống hỏi đáp trực tuyến, cổng phản ánh hiện trường 1022 trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 như sau: Hệ thống Hỏi đáp trực tuyến tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 943 câu hỏi, các cơ quan, địa phương đã trả lời 920/943 câu hỏi (đúng hạn 919/920 và trễ hạn 1/920) trong năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận 283 câu hỏi, đã trả lời là 254/283 câu hỏi (đúng hạn 236/254 và trễ hạn 18/254).

Hệ thống phản ánh hiện trường tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 726 phản ánh, trong đó đã xử lý 603/726 phản ánh (đúng hạn 451/603 và trễ hạn 152/603) trong năm 2022; đang xử lý 123/726 phản ánh (quá hạn 123/123). Trong 4 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận 216 phản ánh, trong đó đã xử lý 159/216 phản ánh (đúng hạn 131/159 và trễ hạn 28/159); đang xử lý 57/216 phản ánh (trong hạn 12/57 và quá hạn 45/57).

Trước những tồn tại, hạn chế trên, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ngành và địa phương có lượng truy cập ít cần quan tâm cập nhật kịp thời thông tin lên cổng, thông tin phải đầy đủ, kịp thời, dễ đọc, dễ tìm. Các sở, ngành và địa phương thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24.6.2022.

Chỉ số nội dung “Quản trị điện tử” đo lường các khía cạnh mang tính tương tác của chính quyền điện tử: mức độ sẵn có, khả năng sử dụng và khả năng đáp ứng của dịch vụ công trực tuyến.

Các tiêu chí cấu thành chỉ số nội dung này giúp cung cấp thông tin về độ sẵn có của cổng thông tin điện tử và khả năng đáp ứng của chính quyền địa phương cũng như mức độ tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục chính sách người dân cần tuân thủ, và điều kiện sử dụng internet của người dân- môi trường thiết yếu để người dân tham gia quản trị điện tử.

Các sở, ngành, địa phương cần trả lời kịp thời, xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đúng thời gian quy định để tạo niềm tin, thu hút người dân quan tâm tham gia xây dựng chính quyền hoặc sử dụng Cổng hỏi - đáp của tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh kịp thời cung cấp, cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để thu hút người dân, doanh nghiệp quan tâm, truy cập…

Chỉ số Cải cách hành chính: còn hạn chế

Sau khi nghiên cứu kỹ các báo cáo, phân tích về chỉ số Cải cách hành chính năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phân tích sâu chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”.

Chỉ số này năm 2022 giảm so với năm 2021 (88%) với tỷ lệ 73%, thấp hơn mức trung bình cả nước (76,65%), đạt 9,83/13,5 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là chỉ số thành phần có tỷ lệ đạt được thấp nhất của tỉnh.

Trong chỉ số này, có nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ thấp, cụ thể như: Tiêu chí “Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây - Nội dung kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo quy định”, bị trừ 0,5/1 điểm. Lý do: Bộ Thông tin - Truyền thông chưa triển khai việc kết nối nền tảng điện toán đám mây nên tất cả các địa phương đều chấm 0 điểm đối với nội dung này”. Đây là lý do khách quan.

Tiêu chí “Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP)”, bị trừ 0,17/1 điểm, chỉ đạt 0,83 điểm. Lý do: Tổng số các ứng dụng có dữ liệu dùng chung là 6, số các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua LGSP là 5. Sau khi tính tỷ lệ Tây Ninh đạt 0,83 điểm (còn ngành Tài nguyên - Môi trường chưa chia sẻ quy hoạch sử dụng đất, quản lý đất đai).

Tiêu chí “Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức”, bị trừ 0,74/1 điểm. Lý do: Hiện trên địa bàn tỉnh có 10/15 nền tảng được tích hợp, chia sẻ trên NDXP gồm: VN post, Lý lịch tư pháp, Hộ tịch, Văn bản quy phạm pháp luật, Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp FDI, Đăng ký doanh nghiệp, Mã số quan hệ ngân sách, Hồ sơ hành chính công, Danh mục dùng chung. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4/15 nền tảng có phát sinh dữ liệu gồm: Lý lịch tư pháp, Hộ tịch, Văn bản quy phạm pháp luật và Danh mục dùng chung.

Tiêu chí “Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình”, bị trừ 0,01/0,5 điểm. Tiêu chí “Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình”, bị trừ 1,17/1,5 điểm, chỉ đạt 22,4% tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Lý do: Các quy định về giải quyết thủ tục hành chính hiện còn phức tạp (các loại hồ sơ, giấy tờ biểu mẫu còn rườm rà) giống với cách thức gửi trực tiếp, dẫn đến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn ngay từ bước đăng ký tài khoản, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tuyến, mất nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ so với gửi trực tiếp.

Bên cạnh đó, dữ liệu chưa được đồng bộ, liên thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên chưa tạo thuận lợi cho cán bộ trong thao tác nghiệp vụ, xử lý hồ sơ dẫn đến người dân còn phải cung cấp nhiều loại giấy tờ liên quan.

Các cơ quan chưa có chính sách khuyến khích để người dân nộp hồ sơ trực tuyến (giảm thời gian, chi phí...). Đồng thời, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn còn phổ biến.

Tiêu chí “Thực hiện thanh toán trực tuyến”, bị trừ 0,88 điểm, chỉ đạt tỷ lệ 5,35%. Lý do: Việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với người dân còn mới nên chưa có thói quen thực hiện.

Các cơ quan Nhà nước chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện. Việc thanh toán trực tuyến của tổ chức, cá nhân thông qua nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn phát sinh lỗi trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, tiêu chí “Chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh”, bị trừ 0,22/1 điểm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ sớm đề xuất, tham mưu một số giải pháp cụ thể, thiết thực trong thời gian tới.

Theo Sở Thông tin - Truyền thông, các địa phương chưa thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, cung cấp không đúng chuyên mục, cung cấp rải rác nhiều nơi nên khó tìm kiếm.

Một số sở, ngành, địa phương chưa kịp thời hoặc chưa trả lời, xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đúng thời gian quy định dẫn tới người dân mất niềm tin, ít đặt câu hỏi trên Cổng hỏi - đáp của tỉnh, phản ánh qua cổng 1022.

An Khang

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây